Khủng long thua xa động vật có vú về khoản sinh tồn, và vấn đề chính nằm ở thói quen sinh sản của chúng.
Kết quả nghiên cứu mới do Đại học Zurich hợp tác với Hội Động vật học London đã vén màn bí mật lâu nay về nguyên nhân sâu xa khiến khủng long tuyệt chủng. Theo đó, báo cáo đăng trên chuyên san Biology Letters đã tập trung giải thích những thắc mắc như: tại sao sinh vật to lớn như vậy lại đẻ ra những quả trứng bé tí? tại sao những loài khủng long không bay được lại lâm vào tình trạng tuyệt chủng, và bí ẩn về khả năng bay lượn trời phú của chim chóc. Cũng từ đó, các chuyên gia xác định được nguyên nhân chính giúp động vật có vú và các loài chim thoát khỏi thảm họa đại hủy diệt cách đây 65,5 triệu năm.
Việc đẻ trứng chứ không sinh con có thể đã đặt
dấu chấm hết cho loài khủng long – (Ảnh: AFP)
Dù hiện vẫn có những loài chim lớn không bay được như đà điểu, kích thước của chúng làm sao sánh được với các loài khủng long khổng lồ thời xưa. Để nghiên cứu, 2 chuyên gia Daryl Codron và Marcus Clauss của Đại học Zurich (Thụy Sĩ) dựng mô hình của các cộng đồng khủng long và động vật có vú, xếp chúng theo 27 cấp bậc kích thước từ nhỏ đến lớn nhất. Kế đến, nhóm nghiên cứu sử dụng thuật toán để tìm hiểu chuyện sẽ xảy ra giữa sinh vật trưởng thành và hậu duệ của chúng, dựa trên kích thước và sự cạnh tranh sinh tồn. Trong khi động vật hữu nhũ lớn có thể sinh con to, khủng long phải đối mặt với những giới hạn vật lý vì thói quen đẻ trứng. Điều này có nghĩa là thậm chí những khủng long to nhất, có thể nặng đến 150 tấn, lại sinh ra hậu duệ nhỏ xíu.
Nếu cho là trọng lượng khoảng 4 tấn, mẹ khủng long nặng hơn con mới nở đến 2500 lần. Để so sánh, thử nhìn vào một ứng viên nặng ký điển hình trong thời hiện đại là loài voi, với voi mẹ chỉ nặng hơn voi sơ sinh khoảng 22 lần. Nói cách khác, hậu duệ mới sinh của động vật hữu nhũ to lớn thì cũng có kích thước hợp lý so với cha mẹ của chúng. Sự khác biệt đáng kinh ngạc về thân hình của khủng long mới nở và khủng long trưởng thành là do giới hạn về kích thước của trứng.
Nói cho cùng, trứng lớn tất nhiên phải có vỏ dày để tránh bị nghiền nát trong cơ thể mẹ. Nhưng vỏ dày lại ngăn cản quá trình trao đổi ô xy của bào thai, nên trứng không thể nào vượt qua ngưỡng cho phép, khiến bào thai bên trong cũng bị giới hạn theo. Kết quả là khủng long con mới nở không thể nào to như con cái của động vật có vú có kích thước lớn. Bên cạnh đó, con của động vật có vú sinh sống trong cùng một ổ sinh thái, tức cách sinh sống, với cha mẹ chúng. Do được nuôi bằng sữa mẹ, chúng không gặp khó khăn mấy trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, sự việc hoàn toàn khác biệt đối với hậu duệ của khủng long lớn.
Khi thảm họa diệt chủng xuất hiện cách đây 65,5 triệu năm, chỉ có những loài khủng long to nhất mới sống sót được, trong khi các loài nhỏ hơn phải chịu cảnh tuyệt diệt. Điều này tạo nên những lỗ hổng lớn trong chuỗi thức ăn, khiến khủng long chết dần mòn. Ngược lại, động vật có vú có thể tồn tại trong mọi ổ sinh thái, và không ngừng sinh sôi. Về trường hợp của khủng long chim, các chuyên gia cho rằng những loài khủng long này phải tìm mọi cách để kiếm ăn trong bối cảnh bị cạnh tranh dữ dội từ đồng loại và động vật có vú. Kết quả là khả năng bay lượn của chúng ngày càng phát triển và thành thạo như chim chóc bây giờ.
Theo Thanh Niên