Ngồi trên xe, mẹ không thôi thở dài. Trước khi đi, bà Mùi đã dặn nhà có tang cũng đừng nên vội. Càng vội càng hỏng. Mẹ vâng dạ mà tay không ngừng kiểm tra cái nọ, nhét vào túi thứ kia. Bà Mùi ngồi phạch xuống thềm, ngả nón ra quạt:
– Đàn bà, mồm nói thôi, mà lòng không sao thôi được. Thuyền đã cắm sào thì sông cạn cũng chẳng buồn.
Chuyến đi từ Tây nguyên ra miền Trung phải đổi xe hai lần. Lần đầu tiên đi mới được dăm chục cây số, tôi đau bụng quằn quại, miệng không nôn nhưng trôn cứ đòi tháo. Chẳng xe chẳng khách nào chịu chờ, cũng may người phụ xe còn chút lòng nhân từ, trả lại cho ít tiền.
Chuyến xe thứ hai bị hỏng giữa đèo lúc chập choạng tối. Dù muốn dù không, hai mẹ con vẫn phải bám lấy xe, để khi xuống xe, đã là mười một giờ đêm và còn hơn chục cây số nữa mới về đến làng.
Gần một ngày không ăn gì, chỉ tháo ra, tôi đói run người. May có người mách nước cho nhai ít búp trà, không thì tôi bỏ thây giữa đường. Phía trước có quán bán khuya, mẹ thần người nhẩm tính, rồi nắm tay tôi kéo vào.
Hai mẹ con ăn hai bát miến gà, ăn đến đâu tỉnh đến đấy, dù bát miến khá dở, được mỗi cái nóng sốt. Cuối hè, trời đêm đã bắt đầu mát. Tôi no bụng bắt đầu díp mắt buồn ngủ.
Tôi choàng tỉnh khi nghe tiếng xe máy dừng ngay sau lưng mình, sau đó là mùi phấn son, mùi nước hoa sực nức. Mười hai tuổi, tôi chưa biết dùng mỹ phẩm, nhưng chị Ngần đầu xóm tôi thì có. Lúc nào trên người chị cũng có mùi này, tôi luôn hắt xì mỗi khi đứng gần chị, chị nói tôi còn con nít, chưa biết thế nào là mùi hương quyến rũ.
Những cái áo ống, áo hai dây mỏng dánh như cánh chuồn phơi da thịt, dưới ánh điện vàng, đám da thịt ấy đột nhiên trở nên lấp lánh đến chói mắt. Hai người con gái và một người con trai ùa vào quán, bà bán quán nhanh tay bát đũa. Khác với chị Ngần luôn tươi tỉnh vui vẻ, những người này có vẻ gắt gỏng, bệ rạc. Họ nói chuyện, văng tục và âu yếm nhau bằng những lời lẽ không dành cho trẻ con.
Ảnh minh họa
Mẹ kéo cái túi vào lòng, bấm tay tôi. Tôi biết ý ngồi tránh ra xa, bà bán quán đon đả:
– Mẹ con lỡ tàu lỡ xe thì cứ ngồi đây với tôi, đêm còn dài lắm. Ra kia không khéo của mất người cũng chả còn.
Ông xe ôm dựng xe, ngồi chen vào giữa tôi và những cô gái kia, kéo quần gãi sồn sột. Bắp chân ông có vết sẹo dài. Mẹ rụt rè:
– Từ đây về làng Khùa còn xa không bác?
– Chị về đâu, sao lại không biết đường?
– Dạ, em xa quê mười mấy năm, giờ cái gì cũng khác , không nhận ra nữa.
– Thảo nào, tôi thấy chị cứ ngơ ngác. Tôi cũng có người quen ở làng Khùa, thế chị về nhà ai ở đấ y?
Mẹ chợt run bắn, ôm cái túi vào lòng. Ông xe ôm như hiểu, không gặng hỏi nữa, nhấp ngụm nước:
– Tầm mười hai mười ba cây, nhưng đường đang sửa khó đi lắm. Chị với cháu tìm chỗ nào nghỉ đi, mai tôi đưa về sớm.
Mẹ không nói gì, tôi dựa vào vai mẹ ngủ. Tôi biết là mẹ con tôi làm gì có tiền mà vào nhà trọ, chỉ mong trời mau sáng.
– Nhà tôi ngay đằng kia, chị với cháu vào nghỉ tạm, nhà có mỗi con cháu họ, tôi phải ở ngoài này cả đêm.
Một đám người ùa vào quán, lần này là quần bò rách và áo không tay phanh ngực. Vừa ngồi xuống, một con dao sáng quắc đã được vứt lên bàn. Ông xe ôm đứng dậy lôi theo mẹ, mẹ lập cập lôi tôi theo, tôi vừa ngáp vừa lệt sệt chạy, còn nghe tiếng cười đuổi theo phía sau lưng.
Không có điện, tôi được đưa cho ca nước súc miệng, rửa mặt. Ca nước không đủ cho tôi rửa tay chân, tôi chỉ kịp quăng dép, bò lên giường. Cái giường có mùi khai mốc, không kịp lạ giường, cũng chẳng buồn ngáp, tôi lăn ra ngủ, đôi khi chập chờn thấy như ai đụng vào sườn, vào vai, có lẫn cả tiếng thở dồn dập. Không bận tâm, tôi trở mình, quay mặt vào tường ngủ tiếp.
Sáng, mẹ cúi gằm mặt dẫn tôi ra bến xe, bắt xe vào lại xứ đất đỏ, bụi đỏ và màu da người cũng đỏ. Mẹ như quên mất mục đích của chuyến đi là mang tôi ra thắp cho người vừa qua đời nén hương. Người ấy, dù sao cũng là bố tôi, tôi đã khấp khởi mừng, mừng vì cuối cùng tôi cũng có bố, dù khi biết ông, cũng là lúc ông về với đất. Nay đến cơ hội tiễn và gặp ông lần cuối, tôi cũng không kịp.
Không hiểu có chuyện gì, mẹ không đi tiếp đoạn đường ngắn ngủi đó. Mắt còn cay xè, tôi bị mẹ dựng dậy, không kịp đánh răng rửa mặt, mẹ con vội leo lên chuyến xe trở về. Chuyến xe lần này thuận tiện đến không ngờ.
Bụng mẹ tự nhiên to ra, người ta ra vào dò xét. Ngay bác Ngần cũng chép miệng thở dài:
– Đã đành thím là người tự do, nhưng…
Mẹ cúi mặt, không nói gì. Từ buổi sáng ra khỏi căn nhà ấy, mẹ luôn cúi mặt như thế.
Mẹ sinh em, là em trai. Đó là một đứa trẻ hiền lành, dễ bảo, nó luôn bám lấy tôi, khi biết trườn, nó trườn theo tôi, biết bò, nó bò theo, và khi biết đi, tôi ngồi trong nhà xí quây cót ở góc vườn thì nó đứng ngoài chờ. Nó nhìn tôi bằng ánh mắt như tôn thờ dù đôi lần tôi lén mẹ cấu bầm đùi, hay nghiến răng xoắn đỏ tai nó.
Tôi nghĩ nó sẽ mách mẹ, nhưng không, nó bặm môi nén nước mắt rồi vẫn lẽo đẽo theo sau tôi. Tôi không ghét nó, nhưng cũng không thích. Từ ngày có nó, mẹ ít cười nói hẳn, cái nón lúc nào cũng bên người, ngày trước thì úp trước bụng, sau này thì che khuất mặt. Lắm khi về nhà rồi mẹ vẫn không bỏ nón ra. Tôi dắt xe đạp xẹp lốp sang quán nhà bác Tảo.
– Bác vá cho cháu, nhưng bơm non non ấy.
– Hai chị em đi phải bơm căng chứ cháu?
– Không, cháu không muốn cho nó đi cùng.
– Sao thế, chị gái phải biết thương em chứ ?
Tôi định nói, thằng Tú không phải em cháu, lại thôi. Tôi không có bố, nhưng ít ra tôi cũng có người để gọi bằng bố, còn nó, chẳng biết bố là ai. Bác Tảo lau cái nắp van xe vào ống quần, cẩn thận vặn lại. Tôi năm nay mười bảy, mẹ nói bằng tuổi tôi, mẹ đã lấy chồng, ai bảo mẹ lấy chồng sớm, để rồi đẻ ra hai đứa con không có cha. Tôi định nói thế, lại thôi.
Bác Tảo vớ mảnh vải cũ lau chùi cái xe cẩn thận. Nó sạch nhưng không thể bóng loáng, người ta cứ bảo đói cho sạch, rách cho thơm. Đói mờ mắt có thứ gì bỏ miệng là vơ vội, quan tâm làm gì nó sạch hay không, cứ no bụng là tốt nhất. Một mình mẹ với hai đứa con, bữa no thì hiếm chứ bữa đói thiếu gì. Bác Tảo nói không lấy tiền, nhưng tôi phải chở em. Tôi đạp xe về, hai bánh xe tròn căng, bác có lấy tiền tôi vẫn phải chở nó đi nhà trẻ.
Đi học về, tôi nghe người ta nói chúng tôi sắp có bố mới. Tưở ng ai, hóa ra bác Tảo. Hôm nay bác mặc quần dài, áo sơ mi, đi dép quai hậu. Bác nhìn tôi cười cười, thằng Tú ngồi co rúm trong góc nhà, thấy tôi, nó vùng chạy tới, bệu bạo định nói gì đó, song chưa kị p nói nước mắt đã giàn dụa.
Tôi bỗng thấy thương hại nó. Trong nhà, nó lủi thủi như con chó nhỏ, tôi không quý nó đã đành, mẹ cũng không mấy để ý. Nó là vết nhơ không thể lau chùi trên mặt mẹ, vết nhơ ấy ai cũng nhìn thấy và mỗi ngày mỗi lớn thêm. Thảo nào dù tôi có ghét bỏ, quát mắng, nó vẫn cứ lẽo đẽo theo sau như một cái đuôi.
Bác Tảo ngượng nghịu:
– Bác sẽ cùng mẹ lo cho hai đứa.
Tôi sắp mười tám, đã biết ánh mắt của bọn con trai luôn hướng về mình có nghĩa gì. Nhưng tôi còn phải học, tôi muốn được đi xa. Tôi không muốn mình lại buồn như mẹ, ở mãi nơi này. Bác Tảo là người tốt, mẹ cũng khổ nhiều rồi, đàn bà một mình luôn là miếng mồi ngon. Tôi nhìn thằng Tú, chả trách làm sao mặt nó lúc nào cũng buồn.
Hạnh phúc là thứ gì đó xa xỉ, nhưng mẹ xứng đáng được yên ổn – Ảnh minh họa: Internet |
Dùng dằng mãi, rồi mẹ cũng chịu. Tôi dẫn thằng Tú xuống phố, mua cho nó cây kem, dặn:
– Về nhớ gọi bác Tảo bằng bố, nghe chưa?
– Còn chị An?
– Tao lớn rồi. Thằng Tú gật, nó vốn nghe lời
Tôi tránh ánh mắt nó, biết nói thế nào cho nó hiểu, rằng nó đã có một gia đình trọn vẹn.
Chỉ có tôi là không có bố, nhưng tôi lớn rồi, thằng Tú còn bé quá.
Mai kia thôi, tôi sẽ xa nơi này về thành phố. Có bác Tảo, tôi cũng yên tâm. Hạnh phúc là thứ gì đó xa xỉ, nhưng mẹ xứng đáng được yên ổn. Tôi không biết khi nào mẹ sẽ nhận ra, hoặc có thể mẹ đã nhận ra từ lâu lắm.
Không phải người đàn ông nào cũng có vết sẹo thật dài như thế ở bắp chân…
Nguồn: Theo Phụ Nữ Online
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.