Chuyến bay lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) của tàu Discovery có thêm một “phi hành gia” không mong đợi, một chú dơi, vào thời điểm con tầu được phóng lên không trung từ Trung tâm vũ trụ Kennedy thuộc bang Florida, Mỹ.
Theo NASA, một con dơi đã bám vào thùng chứa nhiên liệu của tàu Discovery vào thời điểm con tàu này chuẩn bị cất cánh hôm 15/3.
Hình ảnh hồng ngoại chụp chú dơi bám trên thành tầu Discovery |
Tài liệu báo cáo về chuyến bay của NASA ghi rằng “Việc phân tích các hình ảnh vào thời điểm chuẩn bị phóng và thời điểm phóng tàu Discovery khẳng định rằng, con dơi đã bám vào thành tầu ít nhất là đến thời điểm con tầu rời bệ phóng. Con dơi đã nhiều lần thay đổi vị trí trên thành tầu vào thời điểm đồng hồ đếm ngược được khởi động, nhưng nó đã không bay khỏi con tầu. Những hình ảnh hồng ngoại cho thấy con dơi vẫn còn sống và nó không bị đông cứng như nhiều người nghĩ”.
Các chuyên gia cho rằng, khi chú dơi bám vào bình chứa nhiên liệu (chứa 2 triệu lít hy drô hóa lỏng ở nhiệt cực độ thấp) nó đã bị gẫy một cánh. Hiện tại, chưa thể biết rõ chuyện gì xảy ra đối với chú dơi nhưng NASA tin “chuyến du lịch” của chú vào vũ trụ rất ngắn.
Chú dơi này không phải là con vật đầu tiên định “du lịch” vào vũ trụ. Một trong những đồng loại của chú từng bám vào bình chứa nhiên liệu trên con tầu Endeavour vào năm 1996, một chú khác bị thương nặng khi bám vào tầu Columbia năm 1998.
Theo Báo Đất Việt (AFP)