Vi khuẩn có thể sống và phát triển mạnh trong môi trường thạch tín – một chất độc nhất trên Trái Đất.
Vi khuẩn GFAJ-1. (Ảnh Noticias24.com)
Đó là phát hiện mới nhất, được các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) công bố trên tạp chí Science số ra ngày 2/12.
Phát hiện này được cho là làm đảo lộn định nghĩa lâu nay của giới khoa học về các nhân tố hình thành nên sự sống của Trái Đất, đồng thời mở ra hy vọng trong việc tìm kiếm thêm các loài sinh vật trên hành tinh của chúng ta và thậm chí ở các hành tinh khác.
Các nhà khoa học Mỹ đã lấy một mẫu vi khuẩn có tên khoa học là GFAJ-1 tại hồ Mono ở phía Đông bang California và tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Kết quả cho thấy loài vi khuẩn này không chỉ có khả năng sống sót trong môi trường thạch tín nồng độ cao mà còn có thể phát triển nhờ vào việc biến đổi và hợp nhất nguyên tố độc hại này thành ADN của chúng. Điều này chứng tỏ thạch tín có thể là chất bổ dưỡng cho một số loài sinh vật.
Phát hiện mới này đã bổ sung danh sách của giới khoa học quốc tế về các nguyên tố cần thiết cho sự sống trên Trái Đất, hiện gồm cácbon, hyđrô, nitơ, ôxy, phốtpho và lưu huỳnh.
Đây cũng là những nguyên tố tạo nên các axít nucleíc – A, C, T và G trong ADN cũng như prôtêin và lipít.
Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, phát hiện cho thấy giới khoa học hiện vẫn biết rất ít về các dạng của sự sống trên Trái Đất. Công trình cũng có thể hỗ trợ các chuyên gia trong quá trình nghiên cứu về sự sống trên các hành tinh khác và Mặt Trăng.
Hồ Mono là hồ nước mặn nằm ở phía Đông California, nơi có núi lửa. NASA đã tiến hành nghiên cứu tại đây từ nhiều năm trước vì trong nước hồ có chứa lượng muối, khoáng chất và thạch tín cao bất thường.
Theo Vietnam+