Hóa thạch ở châu Phi cho thấy vi khuẩn cổ đại đã tìm đến các hang đá trốn tia UV gây chết người trong thời kỳ liên đại Thái Cổ khi sự sống bắt đầu hình thành trên Trái Đất.
Theo New Scientist, cách đây từ 2,5 đến 4 tỷ năm, Trái Đất bị các tia UV cường độ cao thiêu đốt và không có tầng ozone bảo vệ, giống như sao Hỏa ngày nay.
Vì vậy, để sống sót ở bề mặt địa cầu là một thách thức lớn đối với các loài sinh vật. Một số tế bào hóa thạch cổ xưa nhất Trái Đất, niên đại khoảng 3,43 tỷ năm, được cho là sống trên những hạt cát ở vùng nước nông hoặc được những loại sỏi cát khác che phủ trước tia UV.
Vi khuẩn hóa thạch trong hang đá ở châu Phi. (Ảnh: New Scientist).
Tại Vành đai đá xanh Barberton ở Nam Phi – khu vực núi lửa cổ trồi lên mặt đất, có những lớp đá mỏng được bao phủ bởi thảm vi khuẩn 3,22 tỷ năm tuổi – những thảm vi khuẩn hay xuất hiện và bao phủ vùng bãi triều.
Đây là những vi khuẩn hình que, phát triển thành hình sợi dài giống như nhiều loại vi khuẩn ngày nay.
“Hình dáng của chúng khá tương đồng”, đồng tác giả nghiên cứu Alessandro Airo cho biết. Ông và đồng nghiệp – tác giả chính Martin Homann ở đại học Free tại Berlin, Đức, đã phân tích mẫu hóa thạch trên và công bố báo cáo hôm 16/11 trên trang web của Hiệp hội Địa chất Mỹ.
“Có vẻ như lúc đó, chúng đã có khả năng kiểm soát hoá sinh đường kính và chiều dài, tạo kết nối chuỗi. Đó là những thứ mà vi khuẩn hiện đại đang làm”.
Trước đó, Birger Rasmussen ở đại học Curtin công bố tìm thấy vi khuẩn đá trong lớp trầm tích 2,7 tỷ năm tuổi ở Australia.
“Đây là một phát hiện thú vị. Nó đã đẩy lùi kỷ lục tìm thấy sự sống trên Trái Đất cổ thêm 500 triệu năm”, Rasmussen nói.
Mô phỏng bề mặt nóng bỏng của Trái Đất cổ. (Ảnh minh họa: NASA).
Theo Airo, khí quyển và bức xạ UV của Trái Đất hơn 3 tỷ năm trước rất giống sao Hỏa ngày nay. Tìm hiểu được cách sự sống tồn tại qua thời kỳ đó sẽ cho con người manh mối về sự sống tiềm năng trên sao Hỏa, và hướng phát hiện sự sống đó.
“Nghiên cứu cho thấy, ở chính nơi rất gần bề mặt hành tinh, có thể tồn tại sự sống”, Airo noi. “Vì vậy, vi khuẩn có thể phát triển mạnh ở ngay bề mặt sao Hỏa chứ không nhất thiết chỉ ở vùng nước sâu hoặc trong lòng đất”.
Theo VnExpress