Khoảng 50% thực phẩm từ gia súc và thủy sản nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, nhiều chủng E.coli được phân lập kháng với ít nhất 6 loại kháng sinh.
Đây là kết quả nghiên cứu ban đầu từ dự án Nghiên cứu cơ chế lan truyền và xây dựng mô hình giám sát vi khuẩn kháng đa thuốc trong chuỗi thực phẩm tại Việt Nam do Viện Dinh dưỡng công bố ngày 11/1 tại Hà Nội. Dự án do Nhật Bản hỗ trợ, được triển khai tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, Thái Bình, Nha Trang, TP HCM và Cần Thơ với sự tham gia của Viện Dinh dưỡng, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Y tế công cộng TP HCM, Đại học Y dược khoa Thái Bình, Đại học Cần Thơ…
Theo bà Bùi Thị Mai Hương, khoa Vi sinh vật thực phẩm và sinh học phân tử, Viện Dinh dưỡng, kết quả nghiên cứu ban đầu từ dự án cho thấy thực trạng phổ biến vi khuẩn kháng kháng sinh trong thực phẩm ở Việt Nam đã ở mức báo động. Cụ thể, hơn 60% người lành mang trùng nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, khoảng 50% thực phẩm từ gia súc và thủy sản nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh. Đây là hệ quả của việc sử dụng kháng sinh trong cộng đồng và chăn nuôi tại Việt Nam. Kết quả này tương đồng với các nước Đông Nam Á.
Vi khuẩn kháng kháng sinh đang tiềm ẩn trong nhiều thực phẩm. (Ảnh minh họa: Xuân Ngọc).
Để đánh giá mức độ ô nhiễm vi khuẩn E.coli gây ngộ độc thực phẩm, nhóm nghiên cứu đã lấy 330 mẫu thực phẩm tại các chợ, siêu thị và lò giết mổ tại TP HCM. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy E.coli sinh men ESBL (hủy tác dụng của kháng sinh) được phát hiện trong 150 mẫu, chiếm hơn 45%. Trong đó, tỷ lệ nhiễm cao nhất ở thịt gà (gần 93%), sau đó là thịt lợn (khoảng 35%), thịt bò (34%), cá/tôm (29%).
Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm khuẩn E.coli sinh ESBL từ các mẫu thịt gà được lấy từ các lò giết mổ lên đến 100%. Nguyên nhân có thể ô nhiễm vi khuẩn trong quá trình giết mổ, sử dụng nước để làm sạch lông.
Điều tra này cũng cho thấy, có 342 chủng E.coli sinh ESBL phân lập từ 150 mẫu thực phẩm bị ô nhiễm. Trong đó, 276 chủng phân lập (chiếm 80%) kháng với ít nhất 6 loại thuốc kháng sinh.
Theo thống kê của ngành y tế, tỷ lệ đa kháng của E.coli tại nước ta khoảng 20-25%, đứng hàng thứ 2 trong số các vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm. Khuẩn E.coli bình thường kháng kháng sinh thế hệ thứ 3 là chính như ceftriaxone, cefuroxime… là thuốc chủ đạo ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Đôi khi cũng có trường hợp kháng cả nhóm kháng sinhcarbapenem – loại kháng sinh mạnh nhất hiện nay.
Ngoài ra, nghiên cứu khoảng 400 mẫu thịt và hải sản chưa qua chế biến được lấy từ các lò giết mổ, chợ đầu mối và chợ bán lẻ TP HCM cũng cho thấy tỷ lệ rất cao nhiễm và kháng kháng sinh các chủng samonella (gây bệnh tiêu chảy). Cụ thể, tỷ lệ nhiễm samonella đã được phát hiện trong thịt lợn (gần 70%), gia cầm (hơn 65%), thịt bò (khoảng 58%), tôm (49%), cá nước ngọt nuôi (gần 37%).
Các nhà nghiên cứu cho rằng cần nâng cao nhận thức về kháng thuốc trong cộng đồng và giữa nhân viên y tế. Đặc biệt, cần có thêm các nghiên cứu đề xác định rõ cơ chế lan truyền và đặc điểm dịch tễ theo vùng địa lý của vi khuẩn kháng thuốc ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Hành động về kháng kháng sinh đã được phê duyệt và triển khai tuy nhiên hiệu quả chưa được bao nhiêu. Nhưng từ kết quả dự án một lần nữa đã báo động và cho thấy đến lúc cần phải quyết liệt hơn trong việc kiểm soát lạm dụng kháng sinh.
Theo đó, bên cạnh nâng cao nhận thức cho người dân và chủ động kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, ngành y tế sẽ đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế, giám sát việc kê toa.
Theo VnExpress