Việc nhiều người vẫn không ngừng lấy hành lý ngay cả khi máy bay gặp nạn phải sơ tán khẩn cấp là bởi con người đã được “lập trình” với việc này.
‘Nhảy đi, nhảy đi, nhảy đi! Bỏ đồ lại. Nhảy và trượt đi. Nhảy và trượt” là giọng hối thúc đầy lo lắng của tiếp viên hàng không giục khách nhảy khỏi chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Emirates sắp nổ tung ở sân bay quốc tế Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất hôm 3/8.
Mặc dù đang cận kề cái chết, nhưng nhiều người vẫn lãng phí thời gian lấy hành lý từ khoang để đồ phía trên.
Theo BBC, không quá khó để lý giải hành vi này vì hành khách trên máy bay không biết diễn biến bên ngoài, con người tự lập trình để lấy ví, hộ chiếu, điện thoại và chìa khóa nhà – những vật tùy thân quan trọng. Nếu không được cảnh báo, chúng ta sẽ luôn làm như thế.
Phi hành đoàn hãng Emirates đã chứng minh họ được đào tạo tốt khi nhanh chóng mở cửa thoát hiểm và hét lên bảo hành khách bỏ lại đồ đạc. Tất cả 282 hành khách và 18 thành viên tổ bay đều sơ tán đến nơi an toàn, chỉ vài phút trước khi máy bay phát nổ.
Quy tắc 90 giây
“Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng cabin bị lửa phá hủy tăng vọt sau 90 giây”, Ashley Nunes – chuyên gia hàng không người Anh cho biết. “Có điều những thử nghiệm này không tính đến người đang cố lấy hành lý mang theo”.
“Nay ta thấy một mô hình khác – khi xảy ra tai nạn, mọi người luôn quơ lấy hành lý”, Nunes nói.
Tháng 9 năm ngoái, một máy bay của hãng British Airways bắt lửa trên đường băng ở Las Vegas, Mỹ. Báo cáo cho thấy vào thời điểm cần chạy đua với thời gian để thoát ra ngoài, nhiều hành khách vẫn cố lấy hành lý.
Nhiều hành khách vẫn cố lấy hành lý trước khi thoát khỏi máy bay hãng British Airways. (Ảnh: Metro).
Hồi tháng 7/2013, một phi cơ của hãng Asiana gặp tai nạn lúc hạ cánh ở sân bay San Fancisco, Mỹ. Ảnh chụp cho thấy hành khách đều cố lấy hành lý mới chạy đi.
“Tốc độ là yếu tố then chốt để giữ an toàn mà việc lấy túi xách sẽ làm nó chậm lại“, Nunes nói. “Tình huống lúc đó rất khẩn trương và dễ kích động. Bạn muốn nhanh chóng thoát ra nhưng lại mắc kẹt bởi vài người vẫn cố lấy hành lý, cho dù những hành lý đó có thể có cạnh sắc nhọn, làm thủng cầu trượt thoát hiểm bằng cao su”.
Có rất nhiều nhà tâm lý học đưa ra những lý giải khác nhau, nhưng tới nay, chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để đánh giá hiện tượng kỳ lạ này. “Không thể làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vì không thể đặt người bình thường vào trạng thái cận kề sinh tử”, ông Nunes giải thích.
“Con người đã quen với việc lấy hành lý khi máy bay hạ cánh và hành vi này rất phổ biến, cho dù là người quốc gia nào chăng nữa. Trong những tai nạn nêu trên, có rất nhiều hành khách là người châu Á và người Anh – họ đều hành động giống hệt nhau”, Nunes kết luận.