Khi nhắc đến NASA, những gì bạn nghĩ trong đầu sẽ là tàu vũ trụ hay những vụ phóng tên lửa. Tuy nhiên, công việc của họ thực ra có rất nhiều lợi ích gần gũi với Trái đất và những cư dân sống trên mái nhà chung này.
Hơn cả những quả tên lửa
Chúng ta đang sống trong một thế giới phi thường. Chỉ trong năm nay, các nhà khoa học đã có những bước tiến quan trọng trong việc tạo ra tử cung nhân tạo, chỉnh sửa phôi người lần đầu tiên tại Mỹ và đến gần hơn mục tiêu phát triển nội tạng người trong cơ thể của lợn. Mặc dù những thành tựu đáng kinh ngạc ấy sẽ định hình tương lai của nhân loại, vẫn còn tồn đọng những vấn đề ở thời điểm hiện tại mà chúng ta không thể bỏ qua.
Khoảng 2,1 tỷ người không có nước sạch để dùng; hơn 1,7 triệu trẻ em chết mỗi năm do ô nhiễm môi trường; và trên toàn cầu, 795 triệu người không có đủ thức ăn để sống một cuộc sống lành mạnh.
Đây là những thống kê rất tồi tệ. Nhưng bạn biết điều gì tồi tệ hơn nữa không? Đó là số tiền cần thiết để giải quyết những vấn đề đó. Chương trình Lương thực Thế giới ước tính, cần 3,2 tỷ USD để cứu 66 triệu trẻ em đang trong độ tuổi đến trường. Ngân sách khoa học của riêng NASA đã là 5 tỷ USD. Bạn bỗng nhìn ra giải pháp: thay vì đầu tư hướng tới vũ trụ, tại sao chúng ta không giải quyết những vấn đề ngay trước mắt thiết thực hơn?
Nếu được chọn, bạn sẽ chọn giải pháp nhất thời hay lâu dài?
Có vẻ như việc đặt những nguồn vốn cho các tổ chức như NASA là sai lầm, nhưng trên thực tế, nó hoàn toàn ngược lại. NASA là nguồn thông tin chính của thế giới về cách mà hành tinh Trái đất của chúng ta hoạt động. Giám đốc của NASA, ông Robert M. Lightfoot Jr trong một buổi phỏng vấn với Futurism đã giải thích rằng khám phá và nghiên cứu vũ trụ kết nối trực tiếp tới sự đi lên của nhân loại.
Tác phẩm ở trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chỉ là một trong những ví dụ điển hình. Theo ông Lightfoot, ISS là “của Trái đất và vì Trái đất”. Như một cách để nhấn mạnh mối quan hệ giữa nghiên cứu vũ trụ và tương lai của nhân loại, ông nói: “Các hệ thống lọc nước mà chúng tôi sử dụng trên ISS –chúng tôi đã lấy một phiên bản đã được sửa đổi và gửi chúng đến các nước thuộc thế giới thứ ba, và chúng thực sự có thể sử dụng các hệ thống lọc chất hóa học mà chúng tôi dùng. Chúng tôi làm rất nhiều những thứ như vậy”.
Ông không hề phóng đại khi nói “rất nhiều”. Michelle Thaller, Trợ lý Giám đốc tại Trung tâm Không gian Goddard của NASA, đã đưa ra một ví dụ nữa khi phỏng vấn với Futurism:
“Chúng tôi có các vệ tinh có khả năng đo lượng nước ngầm ở dưới mặt đất. Chúng tôi thấy nguồn nước đang dần cạn kiệt tại những nơi như Tây Bắc Ấn Độ, và người dân nơi đây không có nước sạch cũng vì lí do này. Chúng tôi có thể nói với mọi người nơi nào sẽ gặp vấn đề hạn hán hay nước uống”.
Hóa ra, để có thể khẳng định liệu chúng ta có nước để uống hay không, chúng ta cần khoa học. Chúng ta cần một chương trình không gian.
Sự đầu tư của thế giới
NASA không chỉ lo lắng về mỗi nguồn nước; tổ chức này còn tập trung vào an toàn thực phẩm, khoa học khí hậu, và nhiều hơn nữa. Họ đang triển khai 110 nhiệm vụ khoa học cùng một lúc với ngân sách 5 tỷ USD ấy. Con số này có vẻ rất nhiều, nhưng theo bà Thaller, “không có tổ chức nào trên thế giới có thể làm hiệu quả hơn. Đúng, đó là một sự đầu tư. Đó là khoản đầu tư 5 tỷ USD mà Trái đất và thế giới đã thực hiện”.
Những tổ chức như NASA chính là niềm hi vọng của nhân loại.
Và khoản đầu tư ấy đang đem lại “trái ngọt”. Thực tế, nó còn cứu sống được mạng người. Ví dụ, vào những năm 80 của thế kỉ trước, chính một vệ tinh của NASA đã phát hiện ra sự khởi đầu của lỗ thủng tầng ozone.
Theo bà Thaller: “Nó chỉ làm nhiệm vụ khoa học thuần túy, nhiệm vụ của nó không phải là tìm lỗ thủng tầng ozone. Chúng tôi đã phát hiện ra nó và nhận ra rằng chúng ta đang phá hủy tầng ozone của Trái đất. Chúng tôi đã chạy đến Liên Hiệp Quốc. Kết quả là, họ đã kí kết Nghị định thư Montreal và cấm hoàn toàn các hóa chất gây nên sự việc này”.
Nếu như NASA không phát hiện ra lỗ thủng tầng ozone, loài người sẽ gây nên thiệt hại nghiêm trọng vào năm 2060. “Đó sẽ là ngày tận thế của thế giới ngày nay. Chúng ta sẽ không có nền nông nghiệp. Chúng ta sẽ không thể ra khỏi Trái đất vào năm 2060”.
Bà Thaller chia sẻ, khi được hỏi về “spinoffs” (những thành tựu công nghệ của NASA đang mang lại lợi ích trực tiếp cho Trái đất dưới dạng các sản phẩm thương mại), người ta thường nghĩ đến máy tính cá nhân, điện thoại di động và các thiết bị khác. Còn bà thì sao? “Thành tựu mà tôi yêu thích là việc mọi người trên hành tinh này đều sẽ có cháu bế”.
Theo vnreview