Là dân giang hồ Sài thành gốc Bắc, Lâm “chín ngón” nổi danh bởi gã có nhiều biệt tài như sử dụng thành thạo chiêu “2 tay 3 dao” (tức là chiêu găm dao dự phòng) mà ít người biết được, mỗi lần bị “lộ bài” làm ăn gã cũng có được phương án tối ưu và hoàn hảo nhất để tiếp tục… hành sự.
Thuở ban đầu khi dưới gầm trời của Đại Cathay, Lâm cũng được người ta nể trọng bởi gã hay ra tay giúp những phụ nữ giữa đường gặp nạn, đây là đặc thù của những gã giang hồ đất Bắc.
Chính Lâm “chín ngón” cũng đã từng nhiều lần “mở đường máu” cứu Đại Cathay thoát chết. Một lần cứu Đại Cathay, Lâm “chín ngón” bị đối thủ chặt đứt lìa một ngón tay cái. Cái biệt danh “chín ngón” cũng chính là tên mà Đại Cathay đặt cho Lâm.
Vì nhiều lần “cứu chúa” nên Lâm “chín ngón” cũng được Đại Cathay rất trân trọng. Lâm còn sống sót ở trong tù cũng là cái nghĩa mà Đại Cathay giành cho gã. Lần vượt ngục mang nhiều rủi ro mà Đại Cathay đã tính toán kỹ, Đại Cathay đã gọi riêng Lâm “chín ngón” đến và bắt gã thề sẽ bỏ ma túy, chính tay Đại Cathay cũng chích cho Lâm một liều cuối cùng trước khi vượt ngục và bị truy đuổi, tiêu diệt. Liều thuốc ấy, Đại Cathay đã cố tình tăng liều lượng khiến Lâm “chín ngón” ngủ mê mệt…
Ở trong tù, nhưng Lâm “chín ngón” với biệt tài của mình đã soán ngôi ông trùm với đặc quyền được bán hàng trắng trong trại, cuộc sống của gã sướng như vua.
Lâm chín ngón (trái và Năm cam (phải) |
Năm 1988, Lâm “chín ngón” được ra tù và sống cuộc sống đời thường. Gã lấy một người phụ nữ đã qua một đời chồng nhưng là “tuyệt sắc giai nhân”.
Có gia đình, Lâm “chín ngón” mở một hiệu thuốc tây nhưng thu nhập cũng chỉ đủ cho gia đình chi tiêu tiết kiệm.
Điều này khiến Lâm “chín ngón” cảm thấy nhục, bởi cái danh của gã “một thời ngang dọc” mà không lo được cho vợ con một cuộc sống đủ đầy. Ngay cả khi Lâm mở một quán thịt chó để bán, cuộc sống của gã cũng chẳng khá hơn.
Thời điểm này, Lâm “chín ngón” được Trương Văn Cam –tức Năm Cam, một tay “anh chị” thời mới giúp đỡ. Năm Cam có mối quan hệ rộng, phức tạp và có những quan hệ mật thiết với chính quyền và công an.
Tuy nhiên, sự giúp đỡ của Năm Cam khiến Lâm “chín ngón” không mấy hài lòng. Dẫu sao, trong tư tưởng của Lâm “chín ngón”, gã cho rằng mình là một đàn anh.
Sự giương oai của Lâm “chín ngón” đã khiến gã có một kết cục sống mà như chết, tương tự như cái chết của anh em nhà Cương “võ sỹ” và Sơn “đảo”. Điều này như đã vận vào số phận của Lâm.
Khi giao du với những gã giang hồ thuộc thế hệ đàn em, Lâm “chín ngón” luôn tỏ ra khó chịu khi lũ “trẻ trâu” cứ xum xoe “anh Năm, anh Năm” trước mặt gã. Có lần, trong cuộc nhậu, Lâm “chín ngón” còn hùng hổ đập bàn và quát lớn: “Thằng Năm với tao chẳng là cái gì, chúng mày phụng đỡ nó thì đừng nhìn mặt tao nữa”. Trước đó, Lâm cũng đã nhiều lần hành xử khiến Năm Cam phải tím mặt trước đàn em.
Trong con mắt của Năm Cam lúc ấy, Lâm “chín ngón” chỉ là một gã giang hồ già hết thời. Nhưng những uy danh của Lâm vẫn còn vang vọng, cộng với luật giang hồ khiến Năm Cam vẫn phải cung kính mỗi khi giáp mặt.
Với con người thâm hiểm và quyền lực như Năm Cam, dĩ nhiên gã không chịu để yên. Thời điểm Năm Cam nhận thấy cần phải “thanh lý” Lâm “chín ngón”, gã đã gọi đàn em của mình là Dung Hà cũng là một giang hồ đất Bắc lưu lạc vào Sài Gòn. Dung Hà gốc Hải Phòng, khi “nữ quái” này mới ra tù, Năm Cam là người cưu mang, giúp đỡ.
Nhận thấy, sử dụng Dung Hà trong trường hợp này là rất phù hợp, bởi Dung Hà cũng như giới giang hồ Hải Phòng nhanh nhạy, cần thiết có thể sử dụng “chó lửa” bất cứ lúc nào. Nhưng khi gặp mặt và “bàn chuyện”, Dung Hà đã hiến kế giúp Năm Cam “xử đẹp” Lâm “chín ngón” mà không cần dùng đến vũ khí nóng.