Vì sao người xưa chụp ảnh chân dung luôn lạnh lùng và nghiêm nghị?

Vì sao người xưa chụp ảnh chân dung luôn lạnh lùng và nghiêm nghị?

Tất cả những tấm ảnh thời xưa thường có một đặc điểm chung: nhân vật trong ảnh không bao giờ cười mà thay vào đó là vẻ mặt lạnh lùng và nghiêm nghị.

Vì sao người xưa chẳng bao giờ cười khi chụp chân dung?

Hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng thấy qua rất nhiều bức ảnh từ những thế kỷ trước, hầu như tất cả những tấm ảnh này đều có một đặc điểm chung: nhân vật trong ảnh không bao giờ cười mà thay vào đó là vẻ mặt lạnh lùng và nghiêm nghị.

Chẳng hạn vào năm 1852, một cô gái đã ngồi chụp một tấm chân dung theo quy trình Daguerre, khi đó đầu cô hơi nghiêng, tư thế ngồi nghiêm nghị, tự tin và không cười, đây chính là tấm ảnh mãi đến ngày nay vẫn được nhiều người gọi rằng “cô gái nghiêm túc”.

Vì sao người xưa chụp ảnh chân dung luôn lạnh lùng và nghiêm nghị?
Chân dung nhà thiên văn học John Frederick William Herschel, một tác phẩm của nhiếp ảnh gia Julia Margare Cameron.

Kiểu ảnh này không có gì lạ vào thời kỳ Victory (khoảng năm 1837-1901). Ngay cả Charles Darwin, một người có tính cách hiền dịu, ấm áp và giàu tình thương cũng xuất hiện trên ảnh với vẻ mặt lạnh lùng cau có. Trong bức chân dung nổi tiếng chụp nhà thiên văn học John Frederick William Herschel của nhiếp ảnh gia Julia Margare Cameron vào năm 1867, vẻ mặt u sầu của ông đã khiến người xem có cảm giác nặng nề như trong vở bi kịch Vua Lear.

Vì sao người xưa chụp ảnh chân dung luôn lạnh lùng và nghiêm nghị?
Charles Darwin với cái nhìn lạnh lùng trong ảnh chân dung.

Vậy vì sao những bậc tiền bối trước đây, từ những người nổi tiếng cho đến những bức ảnh lưu niệm gia đình, họ đều “có vẻ không vui” trước ống kính?

Một trong những lý do đơn giản nhất để giải thích vấn đề này là do điều kiện nhiếp ảnh thuở sơ khai vẫn còn rất thô sơ, tất cả các tấm ảnh chân dung cần phải được phơi sáng trong một thời gian lâu, chính vì thế họ buộc phải giữ nguyên khuôn mặt trong suốt khoảng thời gian chụp ảnh đó để có được tấm ảnh hoàn hảo nhất của mình.

Bên cạnh đó, việc chụp ảnh ngày xưa cũng còn rất hiếm, không đại trà như thời nay của chúng ta. Vì thế những người được chụp ảnh chân dung ở thời kỳ xưa, đặc biệt là những gia đình trung lưu đều hiểu rằng chụp ảnh là thời khắc quan trọng để họ lưu giữ lại khoảnh khắc giàu có và khẳng định địa vị của mình. Đối với nhiều người, đây có thể là khoảnh khắc một lần duy nhất trong cuộc đời của mình, chính vì vậy họ rất coi trọng tấm ảnh được tạo ra.

Tạo dáng trước ống kính thực tế cũng không khác nhiều so với việc tạo dáng để vẽ tranh, nhưng nó ít tốn kém hơn, nhanh hơn và đồng nghĩa với việc những ai không có cơ hội được vẽ tranh sẽ xem như đây là dịp để có được bức ảnh của riêng mình, và họ tỏ ra nghiêm túc khi được chụp cũng giống như khi được vẽ tranh chân dung. Đây không chỉ là một bức ảnh chụp cho vui, đối với họ, nó giống như một bức tranh vẽ nhằm lưu giữ lại nét đẹp của mình trường tồn theo thời gian.

Nói thêm về các bức vẽ ngày xưa, hầu như các tác phẩm thời đó không thể hiện nụ cười của nhân vật, chỉ riêng bức vẽ nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci là một ngoại lệ khi đưa nụ cười vào tranh chân dung. Những người cùng thời với ông đã rất ngạc nhiên khi thấy tác phẩm này. Vào thế kỷ 18 đã bắt đầu xuất hiện một ít bức tranh vẽ nụ cười của một số nghệ sĩ, nhà điêu khắc Houdon thậm chí còn khắc Voltaire với nụ cười trên đá cẩm thạch, bắt đầu cho một chương mới trong Thời kỳ Khai sáng.

Vì sao người xưa chụp ảnh chân dung luôn lạnh lùng và nghiêm nghị?
Bức vẽ nàng Mona Lisa.

Tuy nhiên, nhìn chung mức độ u sầu và “im lặng” vẫn ám ảnh vào các bức họa chân dung sơn dầu và tất nhiên nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiếp ảnh thời gian này.

Vậy câu hỏi tiếp theo được đặt ra: Vì sao những bức ảnh xưa thường đem đến cho người xem nhiều cảm xúc hơn ảnh thời nay?

Vì sao người xưa chụp ảnh chân dung luôn lạnh lùng và nghiêm nghị?
Chân dung Charles Darwin, một tác phẩm khác của Julia Margaret Cameron.

Ngày nay chúng ta thường chụp rất nhiều ảnh kèm theo nụ cười, nhiếp ảnh cũng một phần tái hiện lại xã hội đương thời, chúng ta muốn giao tiếp với nhau như những người vui vẻ, vì thế chúng ta cười và cười không ngừng trong những tấm ảnh selfie nhằm chia sẻ khắp nơi.

Một bức ảnh selfie với nụ cười toe toét trái ngược hoàn toàn với một bức ảnh chân dung nghiêm túc. Bức ảnh “tự sướng” chỉ là khoảnh khắc nhất thời ghi lại sự hạnh phúc trong ảnh, ngoài ra về tính sâu sắc và giá trị nghệ thuật thì nó chỉ là con số 0. Nếu đặt trường hợp mang giá trị lưu giữ làm tài liệu của nhân loại, những bức ảnh này chỉ đáng vứt đi hoặc nói theo thời đại số – nó chỉ đáng xóa đi.

Dù thế nào đi nữa, những bức ảnh ngày xưa vẫn mang nét đẹp truyền thống và đủ sức ám ảnh chúng ta hơn những tấm selfie ngày nay. Mặc dù những bậc tiền bối ngày xưa không nở nụ cười, nhưng không có nghĩa họ không vui, chẳng qua họ cảm thấy không cần thiết phải thể hiện quá độ trong một bức ảnh. Thay vào đó, khi tạo dáng trước ống kính, họ nghĩ đến thời gian, cái chết và ký ức lưu giữ. Chính những điều thực tế này đã “ám màu” lên bức ảnh chân dung của họ, vì họ muốn lưu giữ những thứ trường tồn theo thời gian, và có thể đó chỉ là bức ảnh duy nhất trong đời của mình.

 

Theo genK.vn