Đây là giải thích của các nhà khoa học về “giác quan thứ 6” mà nhiều người cho rằng mình sở hữu.
Không ít người từng một lần cảm thấy và bắt gặp ai đó đang nhìn mình dù họ không hề ở trong tầm nhìn. Đó là một hiện tượng tâm lý hay thực sự là giác quan thứ 6?
Bác sĩ Harriet Dempsey-Jones từ khoa Thần kinh học (ĐH Oxford, Anh) cho rằng đây chỉ là một “trò ảo thuật” của bộ não.
Cấu trúc mắt của con người đáp ứng việc tìm kiếm ánh mắt nhìn chính diện kể từ khi còn nhỏ. Không chỉ vậy, mắt người có phần lòng trắng lớn giúp nhận biết hướng nhìn của người khác. Đây là cơ chế khuyến khích giao tiếp, và cũng là nền tảng cho kỹ năng xã hội.
Cấu trúc mắt của con người đáp ứng việc tìm kiếm ánh mắt nhìn chính diện kể từ khi còn nhỏ.
Với các điều kiện như vậy, chúng ta dễ dàng biết người xung quanh có đang nhìn mình hay không mà không cần phải nhìn trực tiếp vào mắt họ, nhờ vào việc phân tích không gian và hướng quay đầu cũng như cử động cơ thể.
Tuy nhiên, các phán đoán này chưa hẳn đã đúng hoàn toàn. Lý do là vì trong một số trường hợp, não người thường tiếp nhận thông tin một cách nhạy cảm thái quá để nhận biết các mối đe dọa. Nhưng những lần bắt gặp ánh mắt của người đứng sau lưng, tức là hoàn toàn không nằm trong tầm nhìn thì sao? Liệu có phải con người có giác quan thứ 6?
Sự thật thì không phải như vậy. Qua nhiều thí nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những ai hay có thói quen theo dõi người khác thường nhạy cảm hơn. Quan trọng nhất là mỗi khi quay lưng lại lúc nghi ngờ, theo phản xạ người ở phía sau cũng sẽ ngẩng lên nhìn vào mắt người phía trước.
Những ai hay có thói quen theo dõi người khác thường nhạy cảm hơn.
Ngoài ra những lần “bắt quả tang” này sẽ lưu lại trong trí nhớ lâu hơn là những lúc quay lại và không thấy ai cả dù xác suất xảy ra của cả hai sự việc tương đương với nhau. Vì vậy ngoài lý do cấu trúc và cách hoạt động tự nhiên của mắt người, thì cảm giác tưởng như năng lực siêu nhiên này chỉ là một dạng thiên kiến sai lệch do trí nhớ chọn lọc lưu lại những lần “bắt quả tang” nhìn trộm.