Tay của trẻ em và những người trẻ tuổi sẽ bị nhăn nếu ngâm lâu trong nước còn tay của người già thì lại không bị như vậy. Đâu là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này?
Một trong những khả năng đặc biệt của da người là khả năng giữ được độ bền vững ngay cả khi ngâm trong nước lạnh hoặc nước ấm. Quá trình ngâm nước sẽ khiến lớp da ở ngoài cùng bị tăng kích cỡ lên gấp 2, gấp 3 bình thường do các tế bào sẽ tự phồng lên.
Tuy vậy, khi chúng ta già đi, các lớp da cũng sẽ mỏng hơn, và do đó khi ngâm nước tay chân của chúng ta cũng sẽ không bị thay đổi kích cỡ nhiều như khi còn trẻ. Do đó, tay của trẻ em khi ngâm nước sẽ bị nhăm nhiều hơn tay người già.
Lý do lớp da của chúng ta không bị hòa tan trong chất lỏng là nhờ có một loại protein cấu trúc phức tạp tên gọi keratin. Keratin nằm ở lớp tế bào da ở ngoài cùng và được đan xen cùng các tế bào vảy chết có tên corneocyte.
Tiến sĩ Myfanwy Evans thuộc trường Đại học Erlangen-Nurnberg (Đức) cho biết: “Keratin và corneocyte sẽ sắp xếp theo dạng sợi, và kiểu sắp xếp này cho phép các corneocyte có khả năng mở rộng, lấp nước và sau đó trở lại về kích cỡ ban đầu khi nước đã bốc hơi – thời điểm cấu trúc lớp ngoài cùng của da trở về đúng như ban đầu”.
Tuy vậy, lớp da ở ngoài cùng (lớp sừng, bao gồm keratin và lớp tế bào vảy) này vẫn sẽ bị gắn vào một lớp da ngay bên dưới vốn không có khả năng hấp thụ nước.
“Lớp sừng ở ngoài cùng sẽ tăng thể tích rất nhanh, nhưng lớp da ngoài này lại bị gắn vào các lớp da ở bên dưới không có khả năng thay đổi kích cỡ, do đó lớp sừng sẽ phải nhăn lại để chứa được toàn bộ kích cỡ mới”.
Độ dày của lớp sừng trên các bộ phận khác nhau của cơ thể là khác nhau. Lớp sừng trên mặt là mỏng nhất, dày nhất ở trên bàn tay và gót chân. Đó là lý do vì sao lớp da tại các bộ phận này bị nhăn nhiều nhất khi ngâm nước lâu.
“Các ngón tay cũng có độ cong rất lớn, do đó da cũng dễ bị nhăn hơn”, tiến sĩ Evans khẳng định.
Các tế bào vảy sinh ra là do các lớp da của chúng ta sẽ lên tục làm mới từ dưới lên trên, từ các lớp da trong cùng ra đến các lớp ngoài cùng. Khi chúng ta còn trẻ, các tế bào da chỉ mất 3 tuần để thay thế lớp vảy ở ngoài cùng. Song, khi tuổi đã cao, quá trình này sẽ chậm lại.
“Khi tuổi cao, quá trình này chậm lại, mỗi lớp da sẽ trở nên mỏng hơn, và lớp vảy ở ngoài cùng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất”, Evans cho biết.
“Đó cũng là lý do vì sao người già không thấy mình bị nhăn tay nhiều như người trẻ. Lớp vảy của họ mỏng nhất và do đó chúng không tạo ra nhiều sự khác biệt khi tế bào phồng to, bởi vậy mà da không cần nhăn quá nhiều để chứa được thể tích mới”.