Viêm họng cấp là chứng viêm họng thường gặp trong thời tiết giao mùa. Nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra biến chứng nguy hiểm liên quan đến tim. Trẻ có thể phải điều trị kết hợp dự phòng 5-7 năm, thậm chí là đến năm 21 tuổi. Phóng viên ChaMeCuaCon.com đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Đình Hưng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện E (Hà Nội) để tìm hiểu rõ hơn về chứng bệnh đang tiếp tục tăng lên ở trẻ trong thời điểm giao mùa hiện nay.
– Bệnh viêm họng cấp thời điểm giao mùa là căn bệnh rất hay xảy ra ở trẻ. Và kháng sinh vẫn luôn được coi là giải pháp “tối ưu” cho trẻ khi bị viêm họng cấp. Tuy nhiên, mới đây đã có trường hợp trẻ tử vong do sốc phản vệ khi tiêm kháng sinh trị viêm họng. Vậy đâu là ngưỡng an toàn cho trẻ khi tiêm kháng sinh để tránh sốc phản vệ, thưa bác sĩ?
Mọi câu hỏi về sức khỏe của độc giả xin gửi về email: toasoan@emdep.vn. Chúng tôi sẽ liên hệ với bác sĩ có uy tín để giải đáp sớm nhất. Trân trọng cảm ơn.
Việc chỉ định dùng kháng sinh cho trẻ khi bị viêm họng là phải hết sức cẩn thận. Thông thường các bác sĩ cũng phải cân nhắc sử dụng loại kháng sinh phù hợp cho từng trường hợp, hay cách dùng kháng sinh an toàn nhất có thể để hạn chế tối đa việc tiêm. Trong trường hợp rất cần thiết mới dùng đến cách tiêm kháng sinh cho trẻ và khi tiêm thì nguy cơ sốc phản vệ ở cả người lớn và trẻ đều như nhau. Vì thế, cần nắm rõ tiền sử bệnh có bị dị ứng với thuốc hay chất gì không. Tùy từng loại thuốc kháng sinh mà các bác sĩ cần phải tiến hành test thử. Sốc phản vệ là hết sức nguy hiểm với người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Lê Đình Hưng cho rằng, Cần vệ sinh răng, miệng cho trẻ hàng ngày như đánh răng, súc miệng bằng nước muối loãng ấm để phòng viêm họng cấp.
– Không ít các bà mẹ hiện nay có thói quen tự ý mua thuốc cho trẻ uống khi trẻ có dấu hiệu bị viêm họng. Tuy nhiên, cùng một loại thuốc đó, có khi trẻ khỏi ngay nhưng có khi bệnh kéo dài lâu hơn. Vậy đâu là cách điều trị tốt nhất để không ảnh hưởng đến sức khỏe, thưa bác sĩ?
Thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đột ngột là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp tăng cao. Bệnh viêm đường hô hấp trên ở thời điểm giao mùa đa phần là do virus nên việc sử dụng kháng sinh đôi khi là không cần thiết. Việc tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống khi có dấu hiệu bị bệnh viêm họng là điều không nên. Bởi, có thể bệnh của trẻ chưa chắc đã cần dùng đến kháng sinh. Hoặc nếu cần dùng đến kháng sinh thì việc tự mua dùng như thế có thể sẽ không chọn đúng kháng sinh cần dùng, phù hợp. Mặt khác, cũng không nên dùng mãi một đơn thuốc cũ khi bệnh tái phát nhiều lần.
– Vậy theo bác sĩ, trường hợp bệnh như thế nào là được chỉ định dùng kháng sinh và không cần dùng?
Viêm họng có rất nhiều loại và do nhiều nguyên nhân khác nhau: Nhóm không nhiễm khuẩn – viêm họng do dị ứng và nhóm nhiễm khuẩn bao gồm: viêm họng do virus, vi khuẩn, nấm… Tuy nhiên, chỉ có bệnh viêm họng do vi khuẩn thì mới dùng kháng sinh còn những bệnh viêm họng do các nguyên nhân khác thì không dùng kháng sinh, thậm chí kháng sinh không có ý nghĩa và còn gây kháng thuốc về sau. Chỉ có bác sĩ mới xác định được nguyên nhân gây bệnh là do virut hay vi khuẩn. Nên cách tốt nhất là nên cho trẻ đi khám bác sĩ để xác định mức độ bệnh, nguyên nhân để lựa chọn có nên sử dụng kháng sinh hay không, hoặc dùng loại kháng sinh nào cho từng trường hợp.
– Những biến chứng có thể xảy ra với trẻ khi bị viêm họng cấp lúc giao mùa?
Trường hợp người bệnh bị viêm họng tái phát nhiều lần, thường xuyên, hoặc không điều trị dứt điểm có thể gây ra nhiều biến chứng tùy mức độ khác nhau. Biến chứng gần thường xảy ra là người bệnh có thể bị apxe thành cơ họng, apxe amidan… Ngoài ra, viêm họng cấp còn dẫn đến những biến chứng viêm nhiễm vùng lân cận như: viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản và sâu hơn nữa là viêm thanh khí quản, viêm phổi. Thậm chí, một số trường hợp còn bị những biến chứng nặng như viêm cơ tim, viêm cầu thận.
– Xin bác sĩ cho biết mức độ nguy hiểm của biến chứng viêm cơ tim do viêm họng cấp ở trẻ có thể xảy ra?
Bệnh viêm họng do liên cầu Bê-ta tan nhóm máu A có thể gây ra những biến chứng suy tim, viêm cơ tim, viêm cầu thận cấp. Vì thế, các bà mẹ cũng nên chú ý bệnh viêm họng có thể dẫn đến bệnh tim ở trẻ. Trẻ sẽ phải điều trị kết hợp cả điều trị bệnh tim và viêm họng. Thậm chí, sẽ phải dùng kháng sinh điều trị dự phòng đến năm 21 tuổi.
– Thực tế hiện nay, một số bà mẹ có thói quen dùng các bài thuốc dân gian để tự chữa bệnh viêm họng cho con trước khi nhờ đến sự can thiệp của thuốc. Liệu phương pháp này có thực sự an toàn cho trẻ?
Thông thường, 70% trẻ bị các bệnh viêm mũi, họng là do virus hoặc do môi trường, dị ứng… Nhưng đa phần, nếu trẻ được chăm sóc tốt thì bệnh có thể tự khỏi. Những bài thuốc dân gian vẫn có thể hỗ trợ một số triệu chứng của bệnh rất tốt như: chanh mật ong, lá hẹ… Nhưng không phải trường hợp nào dùng thuốc dân gian cũng khỏi vì bệnh có thể tiến triển rất nhanh nếu chúng ta không sớm phát hiện và điều trị. Vì vậy, chỉ nên điều trị triệu chứng kết hợp trong 3-4 ngày, nếu thấy trẻ có biểu hiện bệnh không thuyên giảm cần đến viện khám và điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
– Các bậc cha mẹ nên làm gì để phòng tránh bệnh viêm họng cấp cho trẻ khi giao mùa, thưa bác sĩ?
Cần vệ sinh răng, miệng cho trẻ hàng ngày như đánh răng, súc miệng bằng nước muối loãng ấm. Đặc biệt, cần chú ý không nên dùng các loại đồ uống quá lạnh hoặc kem. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu của bệnh viêm họng cấp cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Kỳ Anh (ghi)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.