Việt Nam chế tạo thành công máy hút ẩm và sấy lạnh đa năng

0
117
Việt Nam chế tạo thành công máy hút ẩm và sấy lạnh đa năng

Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) vừa chế tạo thành công bơm nhiệt hút ẩm và sấy lạnh kiểu tổ hợp lắp ghép. Đây là lần đầu tiên loại máy này được chế tạo thành công ở trong nước, rất hữu dụng trong việc bảo quản nông sản.

Việt Nam chế tạo thành công máy hút ẩm và sấy lạnh đa năng
Nông sản sau khi thu hoạch cần được bảo quản

Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới nóng ẩm có bờ biển dài hơn 3.000km, độ ẩm không khí thường trên 70%, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới hơn 38oC. Khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để nấm mốc và vi sinh vật có hại phát sinh và phát triển, làm hư hại nhiều lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, giống cây trồng…

Thực tế đó càng trở nên bức xúc với một nước nông nghiệp, trình độ KH-KT lạc hậu như nước ta. Nhiều địa phương do không có trang bị kỹ thuật bảo quản hoa quả, nông sản sau thu hoạch, sản phẩm phải bán đổ, bán tháo vào lúc thu hoạch có khi chỉ đạt giá trị 20%, so với giá trị thực của nó.

Để sấy khô sản phẩm, phương pháp truyền thống thường sấy bằng không khí nóng (nhiệt độ từ 60oC đến 120oC), còn để giảm độ ẩm tương đối của không khí, người ta thường dùng máy hút ẩm làm việc theo nguyên lí bơm nhiệt.

Ở không gian được xử lý, việc giảm ẩm bằng máy hút ẩm như vậy nhiệt độ luôn phải duy trì cao hơn nhiệt độ môi trường, độ ẩm tương đối cũng không xuống thấp hơn 55%, trong đều kiện không khí ngoài trời thường có độ ẩm 80% – 90%.

Cho đến nay, để hút ẩm và sấy lạnh, người ta thường dùng máy móc, thiết bị nước ngoài. Chúng không chỉ đắt tiền mà các thông số thường không bảo đảm trong những ngày độ ẩm lên cao, sản lượng và chất lượng sản phẩm giảm. Đã xảy ra trường hợp đã lắp đặt hệ thống máy nhập ngoại vẫn phải sử dụng thêm máy hút ẩm sản xuất trong nước mới đảm bảo sản xuất liên tục, ổn định. Đấy là chưa kể có thiết bị nhập ngoại đắt tiền, tiêu hao nhiều năng lượng, nhưng chỉ làm việc một thời gian ngắn trong điều kiện khí hậu nóng ẩm đã không còn đạt được các thông số kỹ thuật theo yêu cầu công nghệ.

Sau nhiều năm nghiên cứu, tập thể các nhà khoa học thuộc bộ môn Kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh trường ĐHBKHN, do PGS. Phạm Văn Tùy chủ trì, đã thiết kế và chế tạo thành công bơm nhiệt hút ẩm và sấy lạnh kiểu tổ hợp lắp ghép, trong khuôn khổ đề tài NCKH cấp Bộ: “Nghiên cứu hút ẩm và sấy lạnh rau quả thực phẩm”.

Các tác giả đã đề xuất giải pháp công nghệ mới: Để hút ẩm và sấy sản phẩm không cần phải sử dụng hai loại thiết bị như phương pháp truyền thống, mà chỉ cần dùng máy lạnh để hút ẩm và sấy khô ở nhiệt độ thấp. Đây là lần đầu tiên máy hút ẩm và sấy lạnh các sản phẩm nông sản, thực phẩm, dược liệu được thiết kế và chế tạo trong nước, giá cả hợp lý, đạt hiệu quả kinh tế và KH-KT cao.

Về hiệu quả kinh tế, máy hút ẩm và sấy lạnh đa năng cũng có nhiều điểm mạnh: Tiết kiệm vốn đầu tư. Giá thành chỉ bằng 50% so với giá thiết bị cùng loại nhập ngoại. Hệ máy 60 kW lạnh, chế độ 20oC – 27oC, 35% – 45% độ ẩm, giá 300 triệu đồng. Hệ máy 35kW lạnh (120.000 BTU/h), 250 triệu đồng.

Từ giải pháp thay thế máy lạnh + máy hút ẩm bằng tổ hợp máy lạnh – điều hòa nhiệt độ được cải tạo thành bơm nhiệt nên tiêu hao năng lượng giảm, ví dụ từ 17,5 kW (hệ thống cũ) xuống 11,4 kW… Sau nhiều năm làm việc, thiết bị vẫn hoạt động an toàn hiệu quả, phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam.

Đề tài đang đứng trước triển vọng ứng dụng và phát triển rộng rãi trong lĩnh vực bảo quản nông sản thực phẩm, rau quả, dược liệu… sau thu hoạch hoặc hút ẩm các môi trường sản xuất hàng xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu phục vụ công nghệ sau thu hoạch ở Việt Nam.

Đề tài đã hoàn thành 6 hợp đồng CGCN và hợp tác nghiên cứu với các cơ sở nghiên cứu: Công ty Bánh kẹo Hải Hà Hà Nội, Nhà máy thực phẩm Việt Trì, Viện công nghệ thực phẩm, Trung tâm thực phẩm Hà Nội…

Đề tài đã được nhận bằng “Độc quyền sáng chế”, Giải thưởng sáng tạo KH – KT Việt Nam (VI FOTEC) năm 2003, PGS Phạm Văn Tùy được trao “Bằng lao động sáng tạo“.

Chưa dừng lại ở đó các cán bộ khoa học của đề tài đã đi sâu nghiên cứu cải tiến để nâng cao các chỉ số kinh tế – kỹ thuật, độ gọn của thiết bị và khả năng thích ứng với các loại sản phẩm khác nhau.

Là một trong bảy đề tài của trường được nâng cấp thành dự án “Ươm tạo công nghệ” năm 2005, đề tài vừa thiết kế, chế tạo và triển khai ứng dụng thành công máy hút ẩm và sấy lạnh đa năng dạng tổ hợp bơm nhiệt nhiệt độ thấp mang thương hiệu ĐHBKHN BK-BSH 18 được lắp đặt tại Nhà máy Thực phẩm Việt Trì.

 

Theo Trí thức trẻ, Nhân dân