PGS Nguyễn Mộng Hùng và cộng sự thuộc khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) vừa thành công trong việc tách và nuôi lâu dài tế bào gốc của phôi chuột, biến chúng thành tế bào gốc máu.
Tiến sĩ Hùng cho biết, trước đây đã có một số nhóm nghiên cứu trong nước tuyên bố tách được tế bào gốc từ phôi chuột, song không có chứng minh. Nghiên cứu của ông được chứng minh rõ ràng, căn cứ vào hình thái tế bào gốc, vào chỉ thị và hiệu quả (cứu được chuột bị chiếu xạ sống lâu hơn).
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Hùng đã tách tế bào gốc từ phôi chuột, rồi tiêm vào ven của những con chuột đã bị chiếu xạ liều cao. 30 con chuột thí nghiệm được chiếu xạ ở liều 800 đến 900 rơnghen – liều gây chết 100% sau một tuần, do phóng xạ phá huỷ toàn bộ hồng cầu và cả những tế bào tạo hồng cầu. Tuy nhiên, khi tiêm tế bào gốc cho chúng, nhiều con đã sống được quá 1 tháng. Xét nghiệm cho thấy lách của những động vật này xuất hiện các ổ tạo máu mới, chứng tỏ tế bào gốc đã phát huy tác dụng – biến đổi thành tế bào tạo máu để sản sinh hồng cầu mới cho chuột.
Hiện tại, do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho việc lấy tế bào gốc từ phôi người, nên nhóm nghiên cứu mới dừng lại ở các công trình trên động vật, như gà, chuột. Vì chuột là động vật có vú gần với người, nên thành công này là khá quan trọng, và sẽ mở ra những hướng nghiên cứu mới trên tế bào gốc phôi người ở nước ta. Tiến sĩ Hùng cho biết nhóm của ông dự định hợp tác với Bộ Y tế thực hiện đề tài này, phục vụ trong y học.
Trước đó, nhóm của tiến sĩ Hùng cũng đã thành công trong việc tạo ra 26 con gà Ác Tiềm có chứa tế bào gà Lương Phượng bằng công nghệ tế bào gốc phôi
Theo VnExpress