Viên ngọc đa sắc màu cầu vồng có chiều dài 6 cm, được thợ mỏ John Dunstan tìm thấy vào năm 2003 tại thị trấn Coober Pedy trên sa mạc Nam Australia và trở thành vật sở hữu của bảo tàng 18 tháng sau đó.
Đá Opal (ngọc mắt mèo) Virgin Rainbow với các màu đỏ, vàng, cam, xanh lá, xanh da trời tương phản tạo nên vẻ đẹp rực rỡ. (Ảnh: Bảo tàng Nam Australia.)
“Nó có chất lượng không gì sánh bằng và hoàn toàn trong suốt như pha lê. Giống như có ngọn lửa ở bên trong, bạn sẽ thấy tất cả những màu sắc khác nhau. Khi ánh sáng thay đổi, màu sắc viên ngọc cũng biến đổi theo. Đây thực sự là một tạo tác kỳ diệu của nhiên nhiên.” Brian Oldman, Giám đốc bảo tàng, trả lời AFP.
Khoảng 90% đá opal trên thế giới đến từ Nam Australia, nơi từng được bao phủ bởi một vùng biển nội địa qua hàng triệu năm, tạo nên môi trường thuận lợi để hình thành đá.
Đá opal lần đầu tiên được phát hiện tại Coober Pedy, nơi sau đó được coi là thủ phủ đá opal của thế giới, vào năm 1914. Cậu bé Willie Hutchison tìm thấy nó trong một chuyến thám hiểm đào vàng cùng cha.
Theo Tech times, viên ngọc quý thực chất là hóa thạch có màu opal của Belmnitida, một loài nhuyễn thể đã tuyệt chủng, sống vào thời kỳ Đại Trung sinh.
Vào thời điểm này, khủng long cổ dài Plesiosaur, một loài bò sát thời tiền sử, phân bố rộng khắp ở vùng biển nội địa miền nam Australia. Khi chết đi, xác của chúng chìm xuống đáy biển và dần bị các lớp trầm tích hình thành hàng nghìn năm sau đó chôn vùi sâu hơn.
Qua thời gian, vùng biển khô cạn và hóa thành sa mạc. Nồng độ axit tăng dần ở tầng sa thạch nông bên trên. Sa thạch phong hóa tạo ra silica phía dưới và len lỏi vào tầng đất sét, nơi xương khủng long bò sát bị chôn vùi và cuốn theo mạch nước ngầm. Độ axit giảm đi sau đó khiến lớp silica dẻo đông cứng lại thành khối đặc, tạo nên viên đá opal rực rỡ.