Virus H1N1 thành “sát thủ” nếu có thêm 1 loại protein

Lúa hoang giúp giải quyết việc thiếu lương thực

Theo một nghiên cứu mới đây, virus cúm A/H1N1 chỉ thiếu một thứ nữa là có thể biến thành một “sát thủ kinh hoàng,” đó chính là một protein có trong cúm Tây Ban Nha, loại phân tử gây ra đại họa năm 1918 cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người. 

Virus cúm Tây Ban Nha đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người. (Nguồn: Internet)

Các nhà khoa học đã nghiên cứu virus cúm Tây Ban Nha 1918 để tìm ra nhân tố nào đã gây ra những cái chết hàng loạt hồi đầu thế kỷ 20. Loại virus khủng khiếp này đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người, một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử loài người.

Nhà Virus học Peter Palese thuộc Trường Y Sinai Mount ở New York phát hiện ra rằng virus cúm Tây Ban Nha có một cấu tạo “sát thủ” trên bề mặt của nó bao gồm ba protein là neuraminidase (gọi tắt là chữ N trong chữ H1N1) và hemagglutinin (chữ H trong chữ H1N1) và một protein khác có tên gọi là PB1-F2.

Cấu tạo của ba protein kể trên đã tạo nên một “vũ khí giết người” có độc tính gấp một triệu lần so với loại virus cúm mùa thông thường.

Theo ông Palese, trong khi hai protein bề mặt là yếu tố quan trọng thì PB1-F2 thực sự là một bước “đại nhảy vọt” của cúm Tây Ban Nha về khả năng giết người.

Hiện nay, Palese và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra rằng loại protein PB1-F2 có vai trò ngăn chặn cơ thể tạo ra một hợp chất kháng virus quan trọng là interferon. Nếu không có interferon giúp kìm hãm, virus cúm có thể sinh sôi chóng mặt và lấn át hệ miễn nhiễm chỉ ba ngày sau khi nhiễm.

Các chủng virus gây ra những trận dịch tồi tệ khác như năm 1957 và 1968 cũng có protein PB1-F2. Tuy nhiên, virus “cúm lợn” H1N1 năm 2009 thiếu hẳn protein chết người này. Ông Palese cho biết: “Virus cúm lợn hoàn toàn không nguy hiểm như các virus cúm gây đại dịch khác trong lịch sử”./.

 

Theo Vietnam+