Virus tại Nam Cực có mức độ đa dạng gen cao

Zedon – một động vật lai tạo cực hiếm

Một nhóm sinh vật học người Tây Ban Nha vừa công bố phát hiện tại Nam Cực các virus có mức độ đa dạng gen rất cao, trái ngược với quan điểm lâu nay của giới khoa học cho rằng những khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt thường nghèo nàn về sinh học.

Trong công trình nghiên cứu sinh học tại vùng hồ Limnopolar nằm trên đảo Livingston, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã đề cập tới 90.000 chuỗi gen virus. Đây là số lượng “gia đình” virus lớn nhất từng được tìm thấy trong một cộng đồng sinh thái vi sinh vật (được gọi là siêu hệ gen – metagenome) dưới nước. 

Vùng hồ Limnopolar. (Ảnh: Internet).

Từ các dữ liệu này, nhóm nghiên cứu ước tính trong hồ Limnopolar có khoảng 10.000 loài virus. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện một số lượng lớn virus với cấu trúc bậc cao, có nhân thay đổi.

Nhà sinh vật Antonio Quesada, thuộc trường Đại học tự trị Madrid nhận xét, cả số lượng và độ đa dạng của virus được tìm thấy đều gây bất ngờ. Ông Quesada cho biết đây là công trình đầu tiên mô tả được quá trình thay đổi của các loài virus trước và sau thời kỳ tan băng. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện sự tồn tại của các virus cực nhỏ và một số họ virus chưa được biết tới.

Còn đối với nhà sinh vật Antonio Alcami, thuộc Hội đồng nghiên cứu khoa học cấp cao Tây Ban Nha (CSIC), công trình nghiên cứu kéo dài 4 năm này là bước đầu tiên trong việc tìm hiểu vai trò của các virus trong các hệ sinh thái với điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt.

Ông nhận định rằng vấn đề quan trọng nhất mà các nhà nghiên cứu đã khám phá được là tại sao chỉ với 5.000-6.000 năm tuổi, hệ sinh thái này lại có mức độ da dạng virus lớn tới vậy.

Công trình trên là một phần của dự án Limnopolar, bắt đầu từ năm 2001, nhằm phân tích khả năng sử dụng các hệ sinh thái nước ngọt tại các vùng cực như những công cụ cảm ứng báo hiệu biến đổi khí hậu toàn cầu./.

 

Theo TTXVN/Vietnam+