>> Vitamin và những tác dụng thần kì lên cơ thể trẻ (P1)
Nhóm vitamin tan trong nước cũng vô cùng cần thiết với cơ thể và được bài tiết qua đường nước tiểu. Vitamin tan trong nước tham gia vào quá trình xúc tác các phản ứng hoá học của cơ thể. Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu về vitamin nhóm B:
– Vitamin nhóm B bao gồm: B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9, B12. Vitamin B rất cần thiết cho quá trình trao đổi chất của cơ thể, sự thiếu hụt của vitamin này khiến cơ thể suy nhược, mắc nhiều bệnh nguy hiểm.
Vitamin B1: có tác dụng chuyển hoá năng lượng và cân bằng hệ thần kinh, rất tốt cho các hoạt động của tim, gan. Ngoài ra, vitamin B1 còn là một yếu tố giúp ăn ngon miệng, do nó kích thích tiết ra enzym tham gia đồng hoá thức ăn, khiến cơ thể có cảm giác thèm ăn. Khi thiếu loại vitamin này trẻ có thể có biểu hiện tê phù chân tay, nặng hơn là teo cơ. Vitamin B1 có nhiều trong thịt, lòng đỏ trứng, gạo lứt. Chế biến thức ăn sai cách chính là nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin B1 như: vo gạo quá kĩ làm mất hết lớp cám bên ngoài…
Vitamin B2: giúp cơ thể chuyển hoá tinh bột, chất béo, chất đạm… Ngoài ra vitamin B2 còn ảnh hương đến khả năng cảm thụ của mắt và tác động đến da. Khi cơ thể thiếu vitamin B2 có thể có các biểu hiện như: ngứa rát mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, quáng gà, ngoài ra toàn thân thấy mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng làm việc, các vết thương lâu lành, rối loạn tiêu hoá, đầy bụng khó tiêu. Có nhiều nguyên nhân khiến cơ thể thiếu hụt vitamin này, do chế độ ăn, do nhiễm khuẩn kéo dài, do sử dụng loại thuốc gây thiếu hụt vitamin B2,… Đảm bảo chế độ ăn hợp lý là cách bổ sung vitamin tốt nhất, những thực phẩm chứa nhiều vitamin B2 bao gồm: rau xanh, ngũ cốc, các loại đậu, thịt, trứng…
Vitamin B3 (hay vitamin PP): là loại dưỡng chất cần thiết cho sự chuyển hoá năng lượng, hình thành các enzym cho cơ thể. Do cơ thể không tích trữ được nên hay gây thiếu loại vitamin này. Biểu hiện hay gặp nhất đó là loét miệng, suy nhược cơ thể. Vậy vitamin B3 có ở đâu? Vitamin B3 có nhiều ở các loại nấm, thịt gà, thịt bò, cá hồi, cá ngừ…
Vitamin B5: ngoài chức năng chuyển hoá năng lượng từ thực phẩm, vitamin B5 còn có vai trò quan trọng trong chức năng của tuyến thượng thận để tạo ra kháng thể cho cơ thể. Góp phần tham gia vào quá trình phát triển chức năng hệ thần kinh, độ bền của da, niêm mạc. Khi thiếu vitamin B5 cơ thể có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, nhược cơ, rối loạn chức năng dạ dày tá tràng. Ta có thể bổ sung vitamin B5 từ men, các loại đậu đỗ, trứng, thịt gia súc, gia cầm, các loại rau xanh,…
Vitamin B6: tuy chỉ cần lượng nhỏ nhưng nó lại vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển hoá protein và đặc biệt là tham gia tổng hợp hemoglobin – một chất tạo màu đỏ trong hồng cầu.
Vitamin B6 rất quan trọng với trẻ nhỏ, khi thiếu vitamin này trẻ thường có biểu hiện cáu kỉnh, đau bụng, sụt cân, nôn mửa,… Vitamin B6 có nhiều trong các loại đậu, thịt gia súc, gia cầm, rau xanh, hoa quả.
Vitamin B9 hay chính là acid folic: rất quan trọng với mẹ bầu. Giúp phụ nữa mang thai giảm thiểu khuyết tật ống thần kinh, giúp trẻ phát triển cột sống và não hoàn hảo. Thiếu acid folic có thể dẫn đến thiếu máu, với trẻ sơ sinh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển. Acid folic có nhiều trong thực phẩm như: các loại đậu, rau muống, trứng… Với các mẹ bầu thì việc bổ sung acid folic càng cần thiết, nên ngoài thực phẩm các mẹ có thể bổ sung thêm bằng đường uống, sử dụng các sản phẩm acid folic dành cho bà bầu.
Vitamin B12: rất cần thiết cho các mô có tốc độ sinh trưởng mạnh, duy trì sự phát triển khoẻ mạnh cho tế bào thần kinh và hồng cầu. Khi cơ thể không được cung cấp đủ vitamin này sẽ có biểu hiện: thiếu máu, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, nếu lâu có thể có cảm giác kiến bò, tê bì… Các loại thực phẩm có nhiều vitamin B12: nội tang động vật (gan), trứng,…
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.