Chắc ai cũng biết vitamin có tác dụng tuyệt vời thế nào đến sự phát triển khỏe mạnh của cơ thể con người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vitamin có hai loại, loại tan trong dầu (chất béo): A, D, E, K và loại tan trong nước: B, C. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về các loại vitamin tan trong dầu các mẹ nhé!
Vitamin tan trong dầu (chất béo)
– Vitamin A
Đây là loại vitamin rất quen thuộc với các mẹ. Vitamin A có tác dụng lên nhiều cơ quan trên cơ thể như:
Mắt: mắt cấu tạo bởi các sắc tố chứa vitamin A, vì vậy nếu thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng nhìn của trẻ, dân gian vẫn gọi là hiện tượng quáng gà. Trẻ em bị suy dinh dưỡng hay bị thiếu vitamin A dễ dẫn đến khô giác mạc, nặng hơn còn có thể loét giác mạc.
Sự sinh trưởng: Vitamin A góp phần quan trọng trong việc phát triển tế bào của con người, đặc biệt là hệ xương. Nếu thiếu vitamin A có thể làm mềm xương hoặc mảnh hơn bình thường. Trẻ dưới 5 tuổi hay thiếu vitamin A do giai đoạn này cơ thể phát triển nhanh nên không đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A của cơ thể, vì vậy mẹ cần lưu ý bổ sung đầy đủ cho bé.
Ngoài ra, vitamin A còn tham gia phát triển và biệt hoá tế bào biểu mô ở da, ống tiêu hoá, hệ hô hấp, giúp điều chỉnh hệ miễn dịch.
– Vitamin D
Vitamin D làm tăng khả năng hấp thu canxi và photphat ở ruột. Khác với các loại vitamin khác có nhiều trong thức ăn, cơ thể con người tự tổng hợp được vitamin D khi tiếp xúc sánh nắng mặt trời. Đây chính là lý do các mẹ được khuyên nên cho trẻ tắm nắng vào khoảng thời gian 7h30 – 9h tuỳ từng mùa. Trẻ càng được bảo vệ kĩ che chắn kĩ, không cho tiếp xúc với ánh nắng càng có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin D, dẫn đến không hấp thụ được canxi gây nên hiện tượng còi xương. Biểu hiện còi xương xuất hiện rất sớm, có thể thấy ở trẻ mới 2 tháng tuổi.
Ngoài việc tắm nắng thì có thể bổ sung vitamin D bằng đường uống. Sử dụng trực tiếp các loại vitamin D tổng hợp hoặc nhiều loại sữa cũng bổ sung vitamin D. Ngoài tác động lên hệ xương vitamin D còn ảnh hưởng lên hệ miễn dịch. Trẻ thiếu vitamin D có nguy cơ mắc các bệnh do nhiễm virut cao hơn, đặc biệt là bệnh cúm.
– Vitamin E
Đây là loại vitamin có khả năng chống oxi hoá. Ngoài tác dụng làm đẹp dành cho mẹ, vitamin E còn rất tốt cho trẻ biếng ăn. Trẻ non tháng hay chế độ ăn không hợp lý khiến trẻ trẻ bị thiếu vitamin E, gây nên các hiện tượng cho trẻ: phù nề, vết thương trên da… Vitamin E có nhiều trong thực phẩm như: các loại dầu (dầu gấc, dầu lạc, dầu dừa,…) các loại rau màu xanh đậm nên việc bổ sung vitamin E tương đối đơn giản.
– Vitamin K
Vitamin K có vai trò quan trọng trong việc làm đông máu cho mỗi người. Ở trẻ em, ngay khi sinh ra thường được tiêm ngay một mũi vitamin K để đề phòng xuất huyết não. Trẻ đẻ ra dù được bú mẹ nhưng lượng vitamin K trong sữa mẹ thấp không đủ cung cấp cho trẻ. Vậy vitamin K có ở đâu? Thật ra cơ thể hoàn toàn có thể tự tổng hợp vitamin K nhờ những vi khuẩn trong ruột, phần còn lại được cung cấp bởi thực phẩm như: các loại rau màu xanh đậm, thịt,…
Để hấp thụ tốt nhất nhóm vitamin tan trong dầu, mẹ cần chú ý chế độ ăn đủ chất béo cho trẻ. Nếu bổ sung dạng thuốc nên cho trẻ uống trong hoặc sau bữa ăn sẽ đạt hiệu quả hấp thu tốt hơn.
Các loại vitamin đều vô cùng cần thiết cho sự phát triển khoẻ mạnh của trẻ. Tuy nhiên, nếu thừa vitamin cũng sẽ không tốt chút nào, thậm chí gây hại cho con. Dấu hiệu nhận biết việc trẻ đang thừa vitamin như sau:
– Thừa vitamin A: trẻ chán ăn, buồn nôn, xung huyết ở da, niêm mạc, nặng có thể chảy máu dẫn đến thiếu máu.
– Thừa vitamin D: sử dụng dài ngày dẫn đến việc tích luỹ thuốc, thừa canxi trong máu gây chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy. Nặng nhất có thể gây tử vong.
– Thừa vitamin E: khi dùng quá nhiều trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hoá như: đầy hơi, bụng chướng căng, nôn, tiêu chảy…
– Thừa vitamin K: thường vitamin K chỉ thừa khi dùng đường tiêm kéo dài dẫn đến tan huyết, vàng da.
Vitamin cũng như các loại thuốc bổ khác, đều là con dao hai lưỡi, vì vậy các mẹ thông thái hãy ưu tiên các con đường tự nhiên bổ sung vitamin cho trẻ. Một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng chính là sự bổ sung hợp lý và an toàn nhất cho bé.
Mèo Hoa
Mẹ đã tìm hiểu về các loại vitamin tan trong dầu rồi, mời mẹ theo dõi phần tiếp theo về nhóm các vitamin tan trong nước trên ChaMeCuaCon.com nhé!
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.