Từ 11-12/10, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện ” Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng”. Tại Hội nghị, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giai đoạn 1998-2005, độ che phủ rừng ở VN đã đạt 36,7%
Một góc rừng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giai đoạn 1998-2005, độ che phủ rừng của Việt Nam hiện đạt 36,7% tăng 3,5 % so với năm 1999.
Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là một dự án lớn được Quốc hội phê chuẩn, theo đó trồng rừng phải coi trọng việc bảo vệ rừng hiện có và nâng độ che phủ rừng lên 43% vào năm 2010, góp phần đảm bảo an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thuỷ, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học đặc biệt là nguồn gen động thực vật quý hiếm.
Ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tiến độ thực hiện dự án vẫn chậm so với kế hoạch. Qua 7 năm (1998-2005), rừng trồng mới chỉ đạt 49% kế hoạch đề ra là 1,39 triệu ha rừng; chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ; diện tích rừng tự nhiên tăng nhưng năng suất rừng không đồng đều.
Qui hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp với xây dựng cơ sở chế biến thiếu đồng bộ; qui hoạch phát triển rừng nguyên liệu ở nhiều địa phương chưa gắn với xây dựng nhà máy. Chính sách hưởng lợi khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng hạn chế, đặc biệt là đối với người dân nghèo sống ở trong rừng và gần rừng.
Việc đổi mới quản lý các lâm trường quốc doanh còn lúng túng ở nhiều địa phương, do vậy diện tích rừng và đất của lâm trường vẫn không được kinh doanh có hiệu quả.
Mặc dù còn một số hạn chế như trên , theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc quản lý và bảo vệ rừng đã có những tiến bộ đáng kể, diện tích rừng trên phạm vi cả nước đã phục hồi nhanh chóng. Đặc biệt ở các vùng Trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh vùng Bắc Trung bộ có diện tích rừng bị tàn phá đã giảm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – đơn vị chủ trì thực hiện dự án, đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ triển khai chính sách giao rừng, khoán rừng và thông qua đó để người dân được hưởng lợi cao từ rừng, nhằm hạn chế sức ép về vốn ngân sách, tăng cường ý thức bảo vệ rừng của người dân.
Tại Hội nghị nói trên, các đại biểu sẽ cùng nhau đánh giá kết quả đạt được, nêu lên những khó khăn tồn tại làm cơ sở đề xuất các giải pháp thực hiện dự án này trong giai đoạn 2006-2010.
Theo VietNamNet