Các nhà khoa học tại ĐH Calcutta (Ấn Độ) vừa công bố phát hiện gây “sốc”: vỏ trứng có thể giúp chống biến đổi khí hậu!
Màng vỏ trứng có thể hấp thụ CO2 gấp 7 lần trọng lượng của chính nó.
Tác giả chính của nghiên cứu, Basab Chaudhuri, đã chứng minh màng vỏ trứng có thể hấp thụ lượng khí gây hiệu ứng nhà kính CO2 cao gấp 7 lần trọng lượng của chính nó, và các nhà khoa học có thể dùng vỏ trứng “nhốt” bớt khí CO2 cho đến khi các phương pháp năng lượng hiệu quả nhằm loại bỏ khí thải độc hại này được phát triển.
Vỏ trứng bao gồm 3 lớp: lớp màng biểu bì bề mặt, lớp xốp chứa canxi ở giữa và lớp bên trong. Lớp thứ hai và thứ ba bao gồm các protein dạng sợi giúp chuyển CO2 thành calcium carbonate.
Lớp màng nằm ngay dưới lớp vỏ, dày khoảng 100 micromete. Nhóm nghiên cứu của Chaudhuri đã dùng một loại acid yếu, acid acetic, để tách màng từ vỏ làm chất hấp thụ CO2, và phương pháp tách cơ khí này sẽ hữu hiệu trong quy mô công nghiệp.
Trung bình có khoảng 6824mg CO, CO2 được hấp thụ bởi mỗi gam màng vỏ trứng.
Chaudhuri cũng cho biết con người có thể giảm lượng khí thải CO2 sau mỗi bữa ăn có trứng do sự tiếp xúc của màng vỏ trứng trực tiếp với không khí.
Khí CO2 đã tăng lên đáng kể từ giữa thế kỷ XIX, khi nhiên liệu hóa thạch, than, dầu, và khí đốt bắt đầu thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp. Sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong những thập kỷ gần đây phần lớn là do sự gia tăng nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển. Năm 2005, nồng độ CO2 cao gấp 3 lần lượng khí này trước khi có cuộc cách mạng công nghiệp. Và theo thống kê, gần 300 tỉ tấn carbon đã được thải vào bầu khí quyển thông qua việc đốt các nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng từ năm 1751. |
Theo Tuổi trẻ, Science Daily