Công trình kiến trúc Rừng thẳng đứng ở Milan (Italy) đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà thiết kế ở khắp nơi trên thế giới và các dự án tương tự như vậy nhưng có quy mô nhỏ hơn cũng đang hoạt động tích cực để chống lại quá trình ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí là vấn đề lớn đối với bất cứ thành phố nào trên thế giới. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm chất đốt kết hợp với nạn chặt phá rừng bừa bãi càng làm tăng nồng độ khói bụi tại các trung tâm đô thị lớn.
Ô nhiễm không khí đang trở thành vấn nạn nhức nhối hiện nay.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí là thủ phạm đang giết chết 7 triệu người mỗi năm. Một con số đáng báo động! Và để giải quyết bài toán có liên quan đến sức khỏe cộng đồng này, các kiến trúc sư từ khắp nơi trên thế giới đã thiết kế lên rất nhiều công trình, tiện ích thú vị (và có phần điên rồ) để góp phần làm sạch bầu không khí.
Cầu vượt cao tốc Geneva sử dụng tảo lọc sạch khí thải
Thụy Sĩ có truyền thống theo đuổi công nghệ xanh, sạch. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi ở đây lại có một cây cầu vượt có khả năng làm sạch không khí, biến khói bụi từ xe cộ thành nguyên liệu cho quá trình quang hợp của các loài sinh vật quang tự dưỡng.
Cloud Collective – nhóm thiết kế Pháp và Hà Lan đã “trồng” một vườn tảo trong các ống trong suốt được gắn vào mặt bên của cầu vượt cao tốc Geneva. Điều đăc biệt đó là loài tảo này có khả năng hấp thụ khí thải carbon từ các xe chạy qua đây, từ đó giúp môi trường thêm trong lành hơn.
Cầu vượt cao tốc Geneva.
Bông hoa Wendy tại bảo tàng MoMA PS1
Hàng năm, chuỗi sự kiện Summer Warm Up đều mang đến những thiết kế ấn tượng nhất và rất nhiều trong số đó tập trung vào việc cải thiện môi trường. Một tác phẩm sắp đặt kết hợp công nghệ có tên gọi Wendy của công ty HWKN (Mỹ) được xem là điểm nhấn tại khu MoMA PS1. Đây chính là thiết kế thắng giải trong chương trình Kiến trúc trẻ lần thứ 13 của MoMa PS1 – cuộc thi nhằm khích lệ các công ty kiến trúc mới nổi.
Wendy được làm từ những chất liệu có sẵn, được bảo vệ bằng một khung giàn giáo khổng lồ. Wendy được phủ ngoài bởi lớp vải nylon màu xanh tạo thành hình những chiếc gai nhọn nhô ra giống như cánh của những ngôi sao. Tấm vải nylon có thể phun ra các phân tử hạt nano titan (TiO2) giúp giảm ô nhiễm không khí. Các đầu nhọn của ngôi sao được lắp thiết bị thổi mát, chơi nhạc, phun sương, bắn súng nước… giúp thời tiết mùa hè trở nên mát mẻ hơn. Theo ước tính, trong khoảng 3 tháng, Wendy có khả năng lọc được lượng khí thải của 260 chiếc xe hơi.
Bông hoa khổng lồ này có hình thù khá ngộ nghĩnh.
Thiết kế của Wendy vừa dựa trên công nghệ mới, sử dụng các chất làm sạch môi trường, đồng thời đây cũng là một nhân vật có hình dáng khá ngộ nghĩnh. Đây thực sự là một tác phẩm rất đáng để xem khi đến MoMA PS1.
Máy lọc không khí biến bụi bẩn thành đá quý
Mùa thu năm ngoái, chính nhờ hình thức gây quỹ quần chúng mà Daan Roosegaarde – nhà thiết kế người Hà Lan đã tạo ra một chiếc máy hút khói bụi lớn nhất thế giới. Chiếc máy lọc không khí này được tạo ra với mục đích chính là giúp các công viên và thành phố thoát khỏi nạn ô nhiễm khói bụi.
Cỗ máy này thực chất là một tòa tháp cao 7 mét.
Cỗ máy cao 7 mét này có khả năng lọc được khoảng 30.000 mét khối khí mỗi giờ. Là một phiên bản lớn hơn của máy lọc khí gia đình nên cỗ máy của Roosegaarde cũng sử dụng một bộ lọc ion để loại bỏ ô nhiễm, tạo ra bong bóng khí siêu sạch ở nơi công cộng, chẳng hạn như công viên, sau đó ngưng tụ bụi bẩn trong không khí thành một loại đá quý mà có thể dùng để làm đồ trang sức. Chính những người đóng góp cho dự án sẽ nhận lại những món trang sức được tạo ra từ các lại đá quý này.
Khu rừng thẳng đứng trên tòa nhà cao chọc trời ở Ý
Tòa tháp đôi Bosco Verticale (rừng thẳng đứng) là một giải pháp kiến trúc tuyệt vời để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị đông dân cư. Được xây dựng tại Milan từ năm 2014, tòa nhà chọc trời này gồm 113 căn hộ, các khu ban công đều được tận dụng làm vườn trồng cây với tổng diện tích lên tới 2,5 mẫu. Hơn 21,000 cây xanh được trồng trên tòa nhà đã góp phần làm trong lành không khí nơi đây bằng cách hấp thụ khí carbon dioxide dư thừa đồng thời giải phóng khí oxy ra ngoài. Bên cạnh đó, các tán lá cũng giúp phản xạ lại tiếng động cơ, tiếng còi xe, từ đó góp phần làm giảm ô nhiễm tiếng ồn.
Bosco Verticale.
Mái ngói hấp thụ chất gây ô nhiễm
Thêm một ý tưởng thông minh nữa góp phần làm sạch không khí được phát triển bởi một nhóm sinh viên của trường Đại học California Riverside. Đó là những chiếc ngói được phủ một lớp titan dioxide có tác dụng oxy hóa các chất gây ô nhiễm không khí dưới ánh sáng mặt trời và biến chúng thành canxi nitrat vô hại. Nhóm sinh viên cũng được Cơ quan bảo vệ môi trường hỗ trợ 15.000 USD để tiếp tục nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm có khả năng hấp thụ chất gây ô nhiễm.
Các viên ngói này được phủ một lớp titan dioxide có khả năng hấp thụ các chất gây ô nhiễm.
Mặt đường lọc khói bụi
Trước khi nhóm sinh viên của trường Đại học California Riverside đưa ra ý tưởng mái ngói phủ titan dioxide thì một nhóm các nhà khoa học Hà Lan đã thử nghiệm giải pháp tương tự đối với mặt đường.
Mặt đường có khả năng lọc khói bụi.
Mặt đường được phủ một lớp quang xúc tác đã giúp cắt giảm khoảng một nửa nồng độ khói bụi trong không khí. Việc sử dụng titan dioxide trên đường phố để giảm ô nhiễm không khí là một phương pháp có vẻ rất hiệu quả ngay cả trong thời gian rất ngắn.
Do phương pháp ngày khá tốn kém nên khó có thể tạo nên một cuộc cách mạng hóa đường giao thông đô thị, nhưng dù sao thì công nghệ này cũng có một số ứng dụng khá hữu ích.
Theo Trí Thức Trẻ