Những con voi Namibia phát đi tiếng kêu ở tần số rất thấp vào những thời điểm chính xác trong ngày, khi mà không khí ở điều kiện thuận lợi nhất để phát tán âm thanh đi xa.
Giáo sư Michael Garstang, tại Đại học Virginia ở Mỹ, cho biết trong cuộc nghiên cứu kéo dài 3 tuần nhờ một dàn thiết bị khí tượng học và 8 microphone, nhóm đã tìm thấy 42% các tiếng kêu của voi được thực hiện trong giai đoạn không khí tĩnh – 3 tiếng sau khi mặt trời lặn.
Thời điểm tiếng kêu xuất hiện nhiều thứ 2 là khoảng 2 tiếng sau khi mặt trời mọc, cũng là thời điểm độ vang âm của khí quyển tốt nhất để truyền âm thanh qua những khoảng cách lớn. Trong số 1.300 cuộc gọi được ghi lại trong nghiên cứu, 94% rơi vào 2 giai đoạn đó.
Không khí tĩnh là vùng không khí lạnh nằm sát mặt đất, bị ngăn cách với khối không khí nóng bên trên bởi một phân tầng, giống như hiện tượng nghịch nhiệt hay gặp ở các thành phố trong thung lũng (lớp khói mù lạnh luẩn quẩn gần mặt đất mà không thoát lên cao được, do bị ngăn cản bởi lớp không khí nóng nằm phía trên). Sóng âm khi phát lên không trung, gặp phải phân tầng sẽ bị bẻ cong xuống mặt đất, nhờ thế mà truyền đi xa hơn.
Hiện tượng không khí tĩnh – như hay gặp ở Bắc cực – có thể truyền âm thanh của con người ở tần số nghe được đi tới 3 km.
Tuy nhiên ở Namibia, mặt trời hâm nóng mặt đất mỗi ngày làm cho nhiệt độ tăng lên và phá vỡ các phân tầng, làm mất đi điều kiện tốt nhất để gọi qua khoảng cách. Để kiểm chứng giả thuyết này, nhóm của Garstang dựng lên một thiết bị đo khí quyển và thả những quả khinh khí cầu đo thời tiết để ghi lại tốc độ gió, nhiệt độ tại các độ cao khác nhau trong khu vực.
Voi cần phải gọi nhau qua những khoảng cách xa để có thể sinh sản. Voi cái chỉ có một thời điểm sinh sản ngắn và cần kiếm được con đực tốt nhất. Cách duy nhất để làm được điều đó là hú lên những tiếng gọi gợi tình và lắng nghe những lời đáp trả. Điều này cho thấy voi biết bình minh và hoàng hôn là thời điểm tốt nhất để gọi nhau.
M.T. (theo ABC Online)