Những tín hiệu của vệ tinh cho thấy loài voi lùn – chỉ sống tại đảo Borneo (đảo lớn thứ 3 trên thế giới, trên đó có địa phận của Malaysia, Indonesia và Brunei) đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Theo các chuyên gia hiện nay chỉ còn khoảng 1.000 voi lùn sống trong tự nhiên. Mãi đến năm 2003, khi phân tích DNA, các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng loài voi lùn sống trên đảo Borneo là một chi phụ của loài voi châu Á và bắt đầu bảo tồn chúng như một loài riêng. Voi lùn trưởng thành chỉ cao 2,4 mét (lùn hơn loài voi châu Á khoảng từ 30-60 cm), mập hơn, mặt trông có vẻ con nít hơn và đuôi dài hơn – gần chạm đất.
Các nhà khoa học cho biết địa bàn cư trú chủ yếu của loài voi lùn là ở những trảng rộng, thấp hoặc thung lũng những con sông, những nơi mà người dân tại Malaysia và Indonesia đang tích cực khai thác gỗ hay lập trang trại trồng cọ.
Ông Raymond Alfred, người đứng đầu Chương trình các loài sống tại đảo Borneo của Quỹ đời sống hoang dã cho biết: “Mục tiêu trước mắt là thiết lập một khu vực rộng 92.650 dặm vuông ở khu vực tam giác giữa ba nước Malaysia-Indonesia-Brunei trở thành một vườn quốc gia bảo tồn các đàn voi lùn”.
Đ.K.L.
Theo CNN, Tuổi trẻ