“Vòng tròn an toàn” của mẹ

Những việc nên chuẩn bị trước khi mang thai

Khi tớ là bé sơ sinh, ông bà mặc cho tớ quần áo với đường may lộn ra ngoài. Lúc ấy tớ hoàn toàn không hài lòng chút nào vì tớ mới lọt lòng vừa đen vừa xấu, lại mặc kiểu “kỳ dị” ấy càng làm cho tớ trông thật… chẳng giống ai. Nhưng khi đã “có tuổi” (bây giờ tớ đã hai tuổi rồi đấy), tớ mới càng thấm thía sự chăm sóc của mọi người… Là vì da của tớ lúc ấy rất mỏng và yếu, chỉ cần một chút vật cứng chạm vào cũng sẽ làm tớ tổn thương, vậy nên mọi người mới để tớ ăn mặc “kì cục” như vậy. Lúc ấy thế giới của tớ chỉ nhỏ bằng cái chiếu con con, cả nhà tớ đã vẽ một vòng an toàn để bao bọc tớ trong cái thế giới ấy.

Khi tớ lớn hơn, biết bò ra khỏi cái góc của mình, thì vòng an toàn được nới rộng ra. Cả nhà tớ vất vả, vật vã tạo một môi trường an toàn mới cho tớ. Thế nên trong nhà thường xuyên có cảnh mọi người chổng mông dò dẫm trên sàn nhà, các ngóc ngách… để tin rằng không bỏ sót một vật thể lạ nhỏ xíu nào mà tớ có thể bỏ vào mồm. Bài học về những đứa bé bị hóc dị vật mà không thể cứu vãn thường xuyên được mọi người nhắc nhở. Một khoảng thời gian cả nhà tớ còn “hít-le” đồ thủy tinh, dùng hoàn toàn đồ nhựa vì việc rơi vỡ một cái cốc thủy tinh là cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ con.

Khi tớ bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên thì nhà tớ gần như… vườn không nhà trống! Ai đến chơi nhà tớ cũng tỏ vẻ rất ái ngại vì phòng khách chẳng có bàn ghế, kệ tủ gì, có lẽ có người nghĩ bụng “chắc nhà đông con nên không có điều kiện”. Nhưng đơn giản chỉ là vì tất cả những chướng ngại vật ngăn cản bước chân vào đời hùng dũng của tớ đã bị loại ra khỏi vòng tròn an toàn và được xếp vào một góc. Lúc nào tớ bước sang giai đoạn mới, cả nhà tớ lại được ngồi thong thả uống trà nóng và “tọa đàm” các vấn đề thời sự trên bộ bàn ghế ấy.

Khi tớ biết….

Mỗi ngày tớ lớn thêm, mọi người lại vẽ thêm những vòng an toàn mới để đảm bảo cho tớ luôn bình an.

Mẹ bảo trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Càng tò mò, lạ lẫm với thế giới xung quanh, trẻ càng dễ bị cuốn theo những rủi ro không ai lường trước được. Mặc dù người lớn đã hết sức cố gắng lường trước mọi nguy hiểm, mọi rủi ro, các nhà sản xuất cũng thiết kế, phát minh những đồ dùng an toàn trong nhà như bị ổ điện, miếng cao su cho các góc bàn, vật chặn sập cửa,… nhưng vẫn chưa đủ!

Mẹ bảo vệ tớ từ khi tớ còn “trong trứng”. (Ảnh minh họa)

Người lớn cũng luôn nhắc nhở, dạy con trẻ về những tiêu chuẩn an toàn, giới hạn giữa cái được và không được, trang bị cho bé những kỹ năng sống qua những cuốn sách như các trường hợp cháy nhà, bị rơi xuống nước… Và chính người lớn cũng phải gương mẫu chấp hành các tiêu chuẩn an toàn. Nhưng vẫn chưa đủ…

Bởi thế giới rất nhiều cám dỗ, mê hoặc, và còn nhiều mới mẻ trong mắt trẻ thơ mà bọn tớ luôn háo hức khám phá. Những nỗi đau không gì diễn tả nổi từ các vụ tai nạn thương tâm như bé bị rơi từ tầng 6 xuống, bé bị diều cuốn… Và câu hỏi nghẹn lòng cứ nhắc đi nhắc lại: “bố mẹ ở đâu lúc đó, sao lại bỏ con một mình?…”.

Vì thế mẹ tớ bảo vòng tròn an toàn cho chúng tớ cứ lớn theo thời gian và quan trọng nhất là luôn ở trong vòng tay mẹ, mẹ chỉ buông con ra khi con đủ sức vượt qua những hiểm nguy trên đường đời. Đơn giản như câu “con mãi là sơ sinh, trong vòng tay của mẹ”.

Hôm nay, mẹ (lại) đo chiều cao của tớ và quyết định bịt kín cái ổ điện ngang tầm tay với của tớ.. Thế là tớ lại bước vào một vòng an toàn mới,…

Boeing

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.