Vũ trụ không phải là quá sôi sục. Số các trận đụng độ bạo lực giữa các thiên hà lớn chỉ bằng khoảng 1/10 con số ước tính trước đây, một nhà nghiên cứu Australia vừa thông báo.
Tiến sĩ Alister Graham từ Trường nghiên cứu Thiên văn và vật lý thiên thể tại Đại học quốc gia Australia ở Canberra đã công bố nghiên cứu của mình trên số mới nhất của tạp chí Astrophysical Journal Letters.
Khi hai thiên hà đâm vào nhau, các hố đen khổng lồ ở tâm của chúng sa vào một quỹ đạo kép xung quanh một vùng hấp dẫn trung tâm. Khi quỹ đạo này tan rã, các hố đen tiến lại gần nhau và lực hút tổng hợp khổng lồ của chúng bắt đầu nuốt chửng các ngôi sao ở gần đó.
Các ngôi sao tiếp tục bị “xơi tái” như vậy cho đến khi khối lượng bị nuốt vào bằng hoặc lớn hơn khối lượng tổng cộng của các lỗ đen.
Trong quá khứ, những quan sát trực tiếp về thiên hà đã đưa đến phỏng đoán rằng trong vũ trụ những vụ va chạm như vậy phải khá nhiều để có thể tích luỹ khối lượng đủ lớn cho những lỗ đen khổng lồ như chúng ta thấy ở tâm các thiên hà.
Song theo Graham, các nhà nghiên cứu chỉ chăm chăm tìm kiếm những thiên hà sinh ra từ các vụ va chạm, mà đã quên mất các thiên hà chưa từng bị phá vỡ và bị nuốt mất “nội tạng”.
Sử dụng kính thiên văn Hubble, Graham đã nghiên cứu một nhóm thiên hà nằm cách chúng ta 100 triệu năm ánh sáng. Ông so sánh khối lượng lỗ đen tại trung tâm của những thiên hà từng bị đụng độ, với khối lượng sao có sẵn trong các thiên hà chưa kinh qua “chiến tranh”.
Graham phát hiện thấy những thiên hà lành lặn này có đủ lượng sao cần thiết để tạo ra một hố đen khổng lồ, chỉ sau một vụ va chạm với thiên hà khác. “Trước kia, chúng ta cứ tưởng rằng phải cần tới 10 vụ đụng độ để có được nó”.
Nghiên cứu của Graham đã cung cấp bằng chứng trực tiếp đầu tiên ủng hộ một giả thuyết mà các nhà thiên văn đã sử dụng hơn một thập kỷ qua vào các mô hình vũ trụ. Các quan sát trước đây của họ không phù hợp với giả thuyết này.
Thuận An (theo ABC Online)
Theo VnExpress