Càn Long là một vị hoàng đế anh minh nổi tiếng của thời Mãn Thanh Trung Quốc. Hầu hết người ta biết đến ông như một vị hoàng đế hào hoa, đa tình với rất nhiều mỹ nữ vây quanh. Sử sách chép lại, trong suốt thời gian trị vì, vua Càn Long lập tới 3 hoàng hậu, hơn 40 bà phi chưa kể hàng trăm quý nhân, thường tại, đáp ứng khác. Vậy ai mới là người vua Càn Long yêu nhất?
Người đời truyền tụng về mối tình giữa Càn Long và Hương Phi, Lệnh Phi là người được Càn Long tin tưởng nhất.
Bên cạnh đó người ta cho rằng, Càn Long Long là một vị vua đồng tính. Và, đại thần Hòa Thân chính là người tình đồng giới của Càn Long, nên nhà vua mới nhắm mắt làm ngơ cho ông ta tác oai tác quái như vậy. Hãy cùng lật lại thiên tình sử này để tìm hiểu xem.
Mối tình Càn Long – Hương Phi
Hương Phi sinh ngày 15/9/1734 tức năm thứ 12 Ung Chính. Nàng là hậu duệ của thủy tổ Hồi giáo phái Cát Mộc Ba Nhĩ, Bỉnh Trì, Tân Cương. Gia tộc nàng là Hòa Trác vốn gọi là Hòa Trác Thị còn được gọi là Hoắc Trác Thị. Cha là A Lí Hòa Trác là Hồi bộ đài cát, anh trai là Đồ Nhĩ Đô. Gia tộc Hương Phi sống lâu đời tại Diệp Nhĩ Khương, Tân Cương, Trung Quốc.
Tháng 5/1755, tức năm thứ 20 Càn Long, triều Thanh cho quân đến dẹp quân phản loạn ở A Mộc Nhĩ Tản Nạp, Tân Cương, giải cứu hai con trai của Mặc Đặc là Ba La Ni Đô và Hoắc Tập Chiếm (đại tiểu Hòa Trác).
Nhưng hai người này đã không biết cảm tạ ân đức, lấy oán báo ân, tập hợp binh mã tạo phản, phản đối triều đình, chia rẽ tố quốc. Gia tộc nàng Hương Phi đều phản đối tạo phản, ủng hộ triều đình, không chịu tuân theo đại tiểu Hòa Trác nên buộc phải xa xứ. Cả nhà nàng di chuyển từ Diệp Nhĩ Khương phía nam của Thiên Sơn lên Y Lê phía bắc Thiên Sơn định cư sinh sống.
Hai năm sau (1757), nhà Thanh lại phái quân đến dẹp loạn, mùa thu năm 1759 tức năm thứ 24 Càn Long, đám phản loạn Đại Tiểu Hòa Trác bị dẹp tan. Trong đó có công rất lớn của Ngũ thúc, Lục thúc, anh trai và gia quyến của Hương Phi. Họ được triệu về Bắc Kinh, phong quan tấn tước, mở tiệc chiêu đãi, triều đình còn xây Hồi Tử cung cho họ ở. Hương Phi cũng theo gia đình đến Bắc Kinh.
Để cảm tạ ân đức của hoàng thượng và biểu thị lòng trung thành với triều đình, Ngạch Sắc Doãn Hòa Đồ Nhi Đô đã quyết định cho nàng Hương Phi thông minh xinh đẹp tiến cung. Vào ngày 4/2/1760, tức năm thứ 25 Càn Long, hoàng đế đã phong ngay nàng là quý nhân không phải qua “thường tại” và “đáp ứng”, chứng tỏ Càn Long rất coi trọng chuyện này.
Mọi thói quen sinh hoạt và tín ngưỡng tôn giáo của nàng đều được hoàng thượng quan tâm và coi trọng. Càn Long còn cho mời đầu bếp đạo Hồi vào cung để nấu ăn cho nàng. Nơi Viên Minh Viên nàng sống, Càn Long còn dành phương ngoại quán trong vườn cho nàng làm nơi tế lễ, đặc biệt còn cho người khắc văn “Cổ lan kinh” lên bức tường bằng đá đại lý.
Hương Phi vào cung hai năm, người trên kẻ dưới đều rất quý mến nàng. Ngày 30/12/1761, Càn Long phụng ý chỉ của Hoàng thái hậu tấn phong cho nàng từ hòa quý nhân lên Dung tần.
Năm sau phong cho Đồ Nhĩ Đô anh trai nàng là phụ quốc công. Tháng Giêng năm thứ 30 Càn Long, hoàng thượng lần thứ 4 tuần thú phía nam, Dung tần và anh trai nàng cùng đồng hành. Phi tần của Càn Long rất nhiều nhưng được bồi giá xuất cung thì chỉ có mấy người. Hương Phi được tùy giá. Như vậy, có thể thấy địa vị của nàng rất quan trọng trong trái tim của hoàng thượng.
Vào ngày 5/6/1768, tức năm thứ 33 Càn Long, hoàng thượng phụng ý chỉ của hoàng thái hậu tấn phong cho nàng thành Dung phi, Càn Long năm thứ 36 Dung phi tùy giá tuần thú phương Đông, bái yết Khổng miếu, lên Đông Nhạc Thái Sơn. Càn Long năm thứ 43(1778), Dung phi cùng với 5 vị phi tần khác lại tiếp tục được tùy giá chiêm ngưỡng Thịnh Kinh.
Năm thứ 30 Càn Long, Khánh quý phi mất, năm thứ 40, Lệnh Ý hoàng quý phi mất, từ đó Càn Long cũng không sắc phong quý phi và hoàng quý phi nữa. Năm thứ 31 Càn Long, tức năm 1766, Ô Nạp La Nạp hoàng hậu mất, Càn Long không lập thêm hoàng hậu nữa. Cho nên trong hậu cung địa vi cao nhất chính là phi. Dung phi là một trong 6 nàng phi trong cung.
Sau tháng 7 năm thứ 43 Càn Long(1778), Dung phi đã được thăng lên hàng thứ ba đứng sau Du phi, Dĩnh phi. Sau năm thứ 50 Càn Long (1785), có thể do sức khỏe giảm sút mà Dung phi rất ít xuất hiện, nhưng hoàng thượng vẫn thường xuyên ban thưởng quan tâm đến nàng.
Theo ghi chép của “Thưởng tứ đề bạc”, ngày 14/4/1788 năm thứ 53 Càn Long, hoàng thượng đã ban thưởng cho Dung phi 10 quả quýt, đây là lần cuối cùng tìm thấy ghi chép về việc ban thưởng cho nàng. 5 ngày sau, tức ngày 19/4/1788, nàng ra đi đột ngột tại Viên Minh Viên, thọ 55 tuổi. Có lẽ điều hối tiếc nhất của nàng là chưa sinh được con cho hoàng thượng.
Sau khi Dung phi mất, Càn Long thường cho người trong cung tưởng nhớ nàng. Ông hạ lệnh đem những vật phẩm đã ban tặng cho nàng trong mấy chục năm qua tặng lại các công chúa, cách cách, người thân của nàng, các phi tần khác và người hầu.
Kim quan của Dung phi tạm thời được quàn tại Tây Hoa Viên nằm phía bắc Sướng Xuân Viên, ngày 27/4/ cùng năm được phụng di từ Tây Hoa Viên đến quàn tại Tấn cung Tịnh An trang ngoại thành phía bắc Bắc Kinh. Ngày 17/9 cùng năm, Càn Long hạ lệnh cho Hoàng bát tử Nghị Quận Vương Vĩnh Tuyền hộ tống phụng di kim quan của Dung phi đến Đông lăng. Ngày 25/9, nàng được táng tại Phi Viên tẩm của Dụ lăng. (Trong ảnh là phần mộ của nàng tại khu Dụ lăng).
Có thể nói sự sủng ái mà Càn Long dành cho nàng Hương phi vô cùng sâu sắc. Một mặt có thể vì chính trị nhưng mặt khác chúng ta cũng không thể phủ nhận được tình cảm chân thành của hoàng thượng dành cho nàng. Tình cảm đó rất sâu sắc, đặt biệt là sau khi nàng mất, Càn Long vẫn thường xuyên thể hiện tình cảm và sự nhớ nhung với nàng.
Nhưng có một điều khiến người đời thắc mắc tại sao dù được yêu quý như thế nhưng nàng lại không phải là một trong 5 vị phi tần được hợp táng cùng Càn Long. Nhưng dù thế nào thì trong thế giới của các bậc đế vương, khi người đẹp quá nhiều mà tấm chân tình lại hiếm hoi, thì đây có thể được coi là một kì tích rực rỡ của nàng Hương phi.
Mối tình Càn Long – Lệnh Phi
Lệnh phi nương nương tên thật là Ngụy Tiểu Ngọc. Là phi tần trong cung của Càn Long. Theo sử sách thì bà rất xinh đẹp, không những cầm kì thi họa, mà còn rất hiểu biết. Bà là một trong những phi tần được Càn Long sủng ái nhất, coi là tri kỉ bên mình.
Lệnh phi nương nương giống như một bức tranh thủy mạc, đẹp sâu lắng mà cũng thật yên bình. Là một phi tần bên cạnh vua, bà rất hiểu vua, hiểu những gì vua nghĩ, hiểu được khoảng lặng nhất bên trong vị vua đầy vẻ oai phong, lẫm liệt kia.
Lệnh hoàng quý phi xuất thân từ Hán tộc Ngụy thị. Năm 1745, lúc đó Ngụy thị 18 tuổi thì nhập cung, được phong làm Nguỵ Quý nhân, cùng năm đó được sắc phong làm Ngụy tần.
Năm 1766, hoàng hậu thứ hai của Hoàng đế Càn Long là Kế Hoàng hậu Ô Lạt Nạp Lạt thị qua đời. Hoàng đế Càn Long không sắc phong cho một phi tần nào làm Hoàng hậu nữa, nhưng Nguỵ Giai thị, với vai trò là phi tử có cấp bậc cao nhất, được giao quyền quản lí hậu cung và thực hiện nhiều bổn phận của Hoàng hậu. Bà thường cùng hoàng đế Càn Long đi tuần du phía nam sông Dương Tử, Thái Sơn và Nhiệt Hà.
Sự sủng ái của Càn Long dành cho Lệnh Phi được thể hiện cao nhất ở điểm lập con trai của bà là Thập ngũ A Ca lên làm vua, chính là vua Gia Khánh sau này.
Mối tình Càn Long – Hòa Thân?
Càn Long là vị hoàng đế nổi tiếng bậc nhất của triều đình Mãn Thanh. Ít người biết rằng, vị đại đế oai hùng này lại “thích đàn ông”. Người tình đồng tính của Càn Long chính là đại gian thần nổi tiếng không kém gì ông vua: Hòa Thân.
Câu chuyện bắt đầu từ thời Ung Chính hoàng đế. Ung Chính có một người vợ bé dung mạo vô cùng xinh đẹp. Khi đó Càn Long mới 15 tuổi, còn là thái tử, được ở bên cạnh bà phi này. Một lần Càn Long nhìn thấy phi tử này chải đầu, không cầm được lòng mới từ phía sau bịt mắt bà để trêu đùa. Bà phi không biết đó là thái tử nên vùng một cái rồi thuận tay gõ cái lược ra phía sau, đập trúng ngay mặt của Càn Long, khiến thái tử phải buông tay ra.
Ngày hôm sau, Ung Chính thấy trên mặt con trai có vết đỏ mới hỏi vì sao, Càn Long không dám nói. Sau đó bị quở trách rất nghiêm khắc, Càn Long mới nói ra sự thật. Thái hậu nghe xong nghi ngờ rằng người phi tử nọ đình đùa bỡn với thái tử, lập tức ban cái chết cho người phi tử dung mạo kiều diễm kia. Càn Long khóc lớn, lấy một ngón tay nhuộm đỏ bôi vào cổ người phi tử kia nói: “Là do ta hại chết nàng, nếu như linh hồn nàng linh thiêng, hai mươi năm sau chúng ta sẽ gặp lại nhau”.
Dưới triều đại do Càn Long trị vì, Hòa Thân xuất thân từ một trường đào tạo quan chức của Mãn Thanh, được vào cung giữ chức Loan nghi vệ, công việc cụ thể là khiêng kiệu. Có một ngày, Càn Long muốn ra ngoài, trong lúc vội vã tìm không thấy cái lọng vàng, mới hỏi: “Đây là lỗi của ai”. Lúc đó Hòa Thân vội vã nói: “Người giữ điển lễ không thể tránh khỏi trách nhiệm”. Càn Long quay lại nhìn thì thấy g][ng mặt Hòa Thân rất quen như là mình đã gặp qua ở đâu rồi.
Sau khi về cung, nhớ lại những sự việc khi còn nhỏ, bất giác vua cảm thấy Hòa Thân và vị phi tử vì mình mà chết năm xưa dung mạo rất giống nhau, vì thế mới bí mật gọi Hòa Thân vào cung, xem kỹ cổ của anh ta thì phát hiện ra một vết ngón tay màu đỏ. Càn Long cho rằng trước mắt mình là người phi tử thuở trước đầu thai. Từ đó sự sủng hạnh của Càn Long đối với Hòa Thân ngày càng gia tăng.
Được sự sủng ái của hoàng đế, hoạn lộ của Hòa Thân lên như diều gặp gió. Từ một người khiêng kiệu, ông ta được thăng lên đến chức tể tướng. Lại thêm bản tính gian ngoan, giỏi vơ vét, Hòa Thân trở thành người giàu có nhất dưới triều Càn Long.
Trước khi Càn Long nhường ngôi cho con là Gia Khánh, có nói với Hòa Thân rằng: “Ta và khanh quan hệ không hề bình thường, người đời sau sẽ không tha cho khanh”. Quả nhiên Gia Khánh lên ngôi không lâu đã ra lệnh giết Hòa Thân. Người tình nổi tiếng của Càn Long cuối cùng đã phải nhận một kết cục thê thảm.
Chuyện tình giữa thái giám và cung nữ Trung Quốc
(Khám phá) – (Phunutoday) – Trong cung cấm Trung Hoa, chuyện thái giám và cung nữ yêu nhau vốn là chuyện cấm kỵ, tuy nhiên bất chấp tất cả, họ vẫn có tình cảm với nhau. |
Nguồn: Hà Anh (t/h)/Theo Khỏe & Đẹp
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.