Du khách có thể đi bộ chân trần trên biển Wadden khi nước rút làm lộ ra những thềm bùn thoai thoải và vùng đất lầy rộng lớn.
Bờ phía đông nam của biển Bắc (North Sea), giáp Đan Mạch và Hà Lan, là một vành đai bùn và đảo. Bình thường nơi này bị ngập nước biển nhưng mỗi ngày có hai lần thủy triều rút làm lộ ra 15km thềm bùn rộng lớn. Khu vực này nổi tiếng với tên biển Wadden và được mô tả là “một trong những hệ sinh thái gian triều (vùng đất thủy triều lên, xuống) cuối cùng trên thế giới”.
Du khách trải nghiệm “đi bộ” trên biển Wadden khi nước đang rút dần. (Ảnh: Flickr).
Biển Wadden trải dài từ Den Helder ở tây bắc Hà Lan đi qua các cửa sông lớn của Đức tới ranh giới phía bắc tại Bắc Skallingen ở Esbjerg, Đan Mạch. Tổng chiều dài của biển là khoảng 500km trên khu vực có diện tích chừng 10.000km vuông. Năm 2009, phần biển Wadden thuộc Đức và Hà Lan đã được UNESCOghi vào danh sách di sản thế giới và được mở rộng thêm phần thuộc Đan Mạch vào năm 2014.
Một thú vui ưa thích của người Hà Lan và Đức là đi bộ trên các thềm bùn tại Wadden khi nước biển rút đi. Hoạt động này gọi là wattwandern trong tiếng Đức và wadlopen trong tiếng Hà Lan.
Người đi wattwandern thường để chân trần, để bùn bao lấy các ngón và massage bàn chân một cách tự nhiên khi đi bộ tại Wadden. Những con sò, trai và giun ngọ nguậy dưới chân còn những con tôm, cua nhỏ, ốc và sao biển thì mắc cạn vì nước biển rút xuống thấp hơn cả mắt cá chân.
Du khách đi bộ và tìm hiểu hệ sinh thái ở Wadden. (Video: DW English).
Mỗi năm có khoảng 10.000 du khách tới biển Wadden đi bộ băng qua những thềm bùn để tới một số hòn đảo tại đây. Những đảo này nhô lên cao và khô ráo hơn khi thủy triều rút. Chuyến đi bộ này rất nguy hiểm bởi bùn lầy có thể bị lún bất cứ khi nào. Có những con đường được đánh dấu sẵn và du khách cần đi theo chỉ dẫn để không chệch đường.
Biển Wadden là nơi có đa dạng sinh học rất phong phú. Tại đây hiện có hơn 10.000 loài động thực vật cùng sinh sống, từ những sinh vật siêu vi cho tới các loài cá, chim và động vật có vú. Nhiều loài cá chọn biển Wadden như một nơi để sinh nở, tận dụng những bãi bùn lầy nông làm chỗ nuôi con. Khi chúng lớn dần và trưởng thành có thể di cư tới biển Bắc.
Biển Wadden cũng dồi dào nguồn thức ăn nhờ vào những đợt thủy triều, thu hút số lượng lớn các loài chim như ngỗng, vịt, mòng biển, nhạn biển và cả hải cẩu. Hơn 30.000 con hải cẩu đang sống tại biển Wadden, tìm kiếm thức ăn khi biển ngập nước và “tắm nắng” lúc thủy triều rút.
Những sinh vật và ổ của chúng bị lộ ra sau khi nước biển rút. (Ảnh: Flickr).
Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học của biển Wadden ngày nay rất dễ bị tổn hại bởi ô nhiễm môi trường do con người gây ra. Nhiều loài cá như cá hồi Atlantic, cá hồi nâu, cá tầm, cá đuối, ốc và hàu từng được tìm thấy tại đây đang biến mất dần. Cá voi bắc Atlantic và cá voi xám cũng không còn do đánh bắt quá nhiều. Diện tích của biển Wadden cũng giảm dần theo thời gian và đã bị giảm tới 50% so với kích thước ban đầu.
Theo VnExpress