Từ dữ liệu nhiệt độ vệ tinh thu thập được giữa năm 1979 đến 2005, các nhà nghiên cứu Mỹ tính toán rằng vùng nhiệt đới của trái đất đã mở rộng thêm hai vĩ độ, tương đương với 225 km.
Sa mạc Sahara sẽ di chuyển vài trăm kilomét về phía cực. (Ảnh: NASA) |
Tiến sĩ Thomas Reichler, giáo sư khí tượng học tại Đại học Utah ở thành phố Salt Lake và cộng sự – tác giả nhóm nghiên cứu – thừa nhận họ không rõ liệu trái đất ấm lên có phải là nguyên nhân của hiện tượng này.
“Đó quả là một thay đổi lớn“, Reichler nói: Hiện tượng này có thể giải thích cho sự gia tăng hạn hán và suy giảm mưa trong những năm gần đây ở các vùng cận nhiệt đới, như vùng tây nam nước Mỹ và vùng lòng chảo Địa Trung Hải của châu Âu.
“Sự mở rộng vành đai nhiệt đới có thể là một khía cạnh hoàn toàn mới trong vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng tôi không rõ cái gì đã kích hoạt nó“, Reichler thừa nhận.
Ngoài hiện tượng trái đất ấm lên, một nguyên nhân có thể khác là sự suy kiệt tầng ozone bình lưu do các chất ô nhiễm.
Các nhà khí tượng học lâu nay vẫn quy ước vùng nhiệt đới nằm giữa 30 độ vĩ Bắc và 30 độ vĩ Nam. Tuy nhiên, theo quan sát của Reichler và cộng sự, ở cả hai bán cầu tại những vĩ độ trung bình này, tầng không khí thấp gần mặt đất (hay tầng đối lưu) đã trở nên ấm hơn so với các vĩ độ khác trong vòng 26 năm qua, trong khi tầng bình lưu lại trở nên lạnh hơn.
Nhóm nghiên cứu cho rằng sự thay đổi này đã đẩy những dòng gió xoáy nhiễu loạn nhiệt đới về hai cực.
“Các dòng gió xoáy này đánh dấu rìa của vùng nhiệt đới, vì thế nếu chúng đang tiến về hai cực trái đất, nghĩa là vùng nhiệt đới đang mở rộng“, đồng tác giả nghiên cứu John Wallace cho biết. Ông cho rằng sự dịch chuyển của các dòng xoáy này sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến lượng mưa.
Wallace dự báo vành đai nhiệt đới sẽ “di chuyển thêm 2-3 độ nữa về phía cực trong thế kỷ này, trong khi các vùng cực kỳ khô hạn như sa mạc Sahara có thể tiến xa hơn nữa về phía hai đầu trái đất, có lẽ hàng trăm dặm“.
T. An
Theo ABConline, VnExpress