Vùng Tây Bắc sẽ hứng chịu nhiều thiên tai nguy hiểm

0
107

Động đất, trượt đất, lũ quét, lũ ống… là các dạng thiên tai nguy hiểm sẽ thường xuyên xảy ra tại một số tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai.

Đây là công bố của các nhà khoa học khi triển khai đề án “Điều tra phân khu chức năng tài nguyên, môi trường; đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xã hội bền vững vùng Tây Bắc Bắc Bộ” do Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện.

Chuyển động kiến tạo phức tạp

Theo PGS.TS Nguyễn Địch Dỹ, Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ, 6 tỉnh Tây Bắc Bắc Bộ rất đặc trưng cho một vùng phá hủy đập vỡ, dồn nén và nâng lên rất mạnh mẽ. Biên độ nâng lên lớn nhất ở nước ta cộng với chuyển động tân kiến tạo làm cho địa hình đồi và núi bị phân dị rất phức tạp. Do vậy đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tai biến địa chất (TBĐC) nguy hiểm.


Quốc lộ 32 đoạn Ba Khe bị phá hủy do lũ quét- lũ bùn đá ngày 27/9/2005. (Ảnh: Phương Nguyên)

Có 12 dạng TBĐC chủ yếu có thể xảy ra gồm: động đất, đứt gãy hoạt động, các TBĐC liên quan đến các trường địa vật lý, tai biến địa hóa sinh thái, trượt đất, nứt đất, sét đánh, lũ quét, lũ ống, xói lở đường bờ sông, tai biến do khai thác khoáng sản. “Trong số các tai biến này, nguy hiểm nhất là động đất”, Đào Văn Thịnh, Viện Địa chất và Môi trường, Tổng hội địa chất Việt Nam nói.

Trong quá khứ, đã từng có hai trận động đất mạnh nhất vùng Tây Bắc. Đó là trận động đất vào năm 1935 tại Đông Nam thành phố Điện Biên Phủ, cường độ 6,75 độ Richter và vào năm 1983 tại Đông Bắc thị trấn Tuần Giáo với cường độ 6,7 độ richter . Gần đây nhất là trận động đất vào ngày 19/2/2001 tại Điện Biên với Ms=5,3 độ richter.

Một dạng tai biến khác cũng được các nhà khoa học cho rằng nguy hiểm sau động đất đó là trượt đất. Các vùng được cho là có nguy cơ cao gồm: Lũng Pô-Bát Xát, Mường Tè- Điện Biên, Pa Tần – Lai Châu, Đông Nam tỉnh Lai Châu, Nghĩa Lộ, Thanh Sơn – Hòa Bình, Lào Cai- Sapa, dọc quốc lộ 32, 12 (Lai Châu-Điện Biên), đường quốc lộ 127 (Mường Tè- Lai Châu), dọc quốc lộ 6 (Tuần Giáo – Lai Châu, Thuận Châu – Pha Đin), huyện Sông Mã tỉnh Sơn La, Nam Mộc Châu và Nam Nghĩa Lộ.

Theo tài liệu điều tra khảo sát của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương,từ năm 1953 đến năm 2004 trên toàn quốc đã xảy ra ít nhất 317 trận lũ quét. Trong đó, khu vực Tây Bắc là nơi xảy ra nhiều nhất Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1958 đến 2002, đã thống kê được 97 trận lũ quét và 5 trận lũ ống. Lũ quét xuất hiện ngày càng nhiều, những trận lũ quét dồn dập, có sức tàn phá lớn. Chỉ tính riêng trong 15 năm gần đây số người chết trên 965 người, bị thương trên 628 người.

Khu vực có tiềm năng xảy ra lũ quét cao là dọc lưu vực Nậm Na, Nậm Củm, Nậm Bum (Mường Tè), Nậm Rốm, Tuần Giáo, Bình Lư, Tủa Chùa, Thuận Châu, Văn Bản.

Nghiên cứu về tai biến địa chất – nghèo nàn

Dù các dạng TBĐC luôn rình rập cướp đi sinh mệnh và của cải, song đến nay chỉ có động đất là dạng TBĐC được nghiên cứu sớm nhất và đầy đủ nhất. Trong khi đó, có loại tai biến như tai biến trượt đất, đá đổ, đá rơi (gọi chung là trượt đất)ẩy ra mạnh mẽ và rộng khắp vùng Tây Bắc. Mức độ ảnh hưởng của tai biến trượt đất rất lớn về vật chất, tính mạng cũng như tâm lý của cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng.


Một trận động đất vừa xảy ra (Ảnh: Như Ý)

Mặc dù vậy, các nghiên cứu về nó vẫn còn rất ít. Cho đến nay, mới chỉ có một công trình mang tính tổng hợp tại khu vực hồ và ngoại vi hồ thủy điện Sơn La sắp xây dựng và một số nghiên cứu nhỏ, lẻ khác. “Chưa có công trình nào đề cập đến vấn đề phân vùng dự báo trượt đất cho toàn vùng Tây Bắc”, TS Thịnh nói.

Các nhà khoa học cũng kiến nghị cần điều tra chi tiết TBĐC ở các khu vực dọc quốc lộ 4D từ thị xã Lào Cai đến thị xã Lai Châu, dọc quốc lộ 12 từ thị xã Lai Châu đến thành phố Điện Biên, dọc quốc lộ 32, khu vực quanh lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình và Thác Bà, khu vực đô thị mới Phong Thổ – Tam Đường và các khu vực tái định cư do xây dựng công trình thủy điện Sơn La.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu chi tiết các khu vực về tai biến địa hóa sinh thái, tai biến xói mòn bề mặt và nghiên cứu ảnh hưởng của một số đứt gãy hoạt động chính ở vùng Tây Bắc.

[#RelatedNews(213)#]

 

Theo Đất Việt