Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 19-12 công bố một thỏa thuận mua hạn ngạch ô nhiễm của hai công ty Trung Quốc trị giá 930 triệu USD. Việc này nằm trong kế hoạch để các nước giàu thực hiện việc cắt giảm khí nhà kính bằng cách trả tiền cho việc cắt giảm này tại các nước nghèo. Đây là thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay của quỹ WB. Quỹ này được thành lập như là một thành phần của Nghị định thư Kyoto về thay đổi khí hậu.
Hai công ty của Trung Quốc là Jiangsu Meilan Chemical và Changshu 3F Zhonghao New Chemicals Material đã đồng ý cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính lên đến 19 triệu tấn/năm trong một thời hạn không nêu rõ. Teresa Serra, giám đốc phát triển xã hội và môi trường Đông Á của WB cho biết: ”Với dự án này, Trung Quốc sẽ đi trước các nước trong việc góp phần làm giảm hậu quả của sự thay đổi khí hậu”.
Hai công ty nói trên có hạn ngạch bằng cách lắp đặt kỹ thuật nhằm giảm khí thải HFC-23, hoặc trifluoromethane, một hóa chất làm trái đất nóng lên. Được tạo ra khi sản xuất chất làm lạnh, HFC-23 là một trong 6 loại khí được Nghị định thư Kyoto nhắm giảm bớt.
WB cho biết quỹ này cũng đã ký một thỏa thuận với Bộ Tài chính Trung Quốc về việc chi tiền từ việc bán hạn ngạch ô nhiễm cho các dự án, nhằm khuyến khích phát triển kinh tế bền vững.
Q.HƯƠNG(Theo Aljazeera)
Theo Tuổi Trẻ Online