Xã hội hóa giống lúa

Dự án CBDC-BUCAP (2006-2009) có mạng lưới liên kết hoạt động bao gồm các đơn vị: Trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang, Đại học Trà Vinh, Cục Trồng trọt phía Nam, 7 Trung tâm Giống và 6 Trung tâm Khuyến nông ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Từ vụ hè thu 2006 đến nay, nông dân ĐBSCL, nhất là các cộng đồng thuộc mạng lưới dự án, ngày càng tích cực tham gia hoạt động bảo tồn, sử dụng và phát triển đa dạng sinh học.

Đến vụ đông xuân 2006-2007, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Viện PTĐB) đã phối hợp các tỉnh trong vùng tổ chức 29 lớp học trên đồng nhằm huấn luyện kỹ năng sản xuất, chọn tạo giống cộng đồng cho 670 nông dân, mục đích góp phần đáp ứng yêu cầu xã hội hóa công tác giống lúa tại địa phương. Từ các lớp học này, 29 cộng đồng thuộc mạng lưới dự án được thành lập, nâng tổng số lên 68 cộng đồng. Theo kế hoạch, 21 lớp khác sẽ và đang được tiếp tục tổ chức trong vụ hè thu này.

Tại cuộc họp ngày 4-6-2007 vừa qua ở Viện PTĐB, thạc sĩ Nguyễn Hồng Cúc, cán bộ Tổ Tài nguyên cây trồng, cho biết: Với gần 220 dòng lai, 70 bộ giống triển vọng được cung cấp từ các cơ quan liên kết địa phương, trong cả 2 vụ, nông dân đã thực hiện 41 điểm thí nghiệm chọn giống thích nghi, và từ 20 điểm thí nghiệm vụ đông xuân 2006-2007, bà con đã chọn được 57 dòng lúa thích nghi với địa phương.

Vụ hè thu này, bà con còn đang tiến hành lai tạo giống lúa từ 30 tổ hợp lai, đồng thời chọn dòng phân ly từ 50 dòng triển vọng. Đặc biệt, 30 sinh viên Trường Đại học An Giang, Đại học Trà Vinh ngoài việc được phổ biến về hoạt động của lớp học trên đồng ruộng, còn được trực tiếp tham dự lớp (16 sinh viên); 120 sinh viên khác được dự nghe báo cáo chuyên đề về hoạt động bảo tồn, sử dụng và phát triển đa dạng sinh học cộng đồng. Riêng có 1 sinh viên Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài tốt nghiệp về vấn đề này.

Những “nhà tạo giống – nông dân” ở ấp Tà Ân A2, xã Thuận Hưng,
huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: BaoCanTho)

Đó là một số hoạt động nổi bật trong mục tiêu 1 của dự án CBDC-BUCAP ở ĐBSCL. Về mục tiêu 2, tiến sĩ Vũ Anh Pháp, Tổ trưởng Tổ Tài nguyên cây trồng Viện PTĐB, phấn khởi “công bố”: Vụ đông xuân 2006-2007, tại 5 điểm: Thị xã Tân An, Long An; Gò Công Tây, Tiền Giang; Trà Ôn, Vĩnh Long; Châu Thành, Trà Vinh và Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ, qua khảo nghiệm 9 dòng lúa do nông dân chọn tạo thành công từ 2 giai đoạn trước của dự án CBDC, cho thấy: TM3 thích nghi tại Trà Vinh; HĐ1, BT1 thích nghi ở Long An; TH1 tại Tiền Giang; BL28 tại Vĩnh Long; BL5 tại TP Cần Thơ. Qua lời tiến sĩ Pháp, tôi không khỏi nhớ lần cùng đi đánh giá giống lúa ở An Giang với cán bộ của Viện PTĐB trong vụ đông xuân 2006-2007. Thật bất ngờ và vui lây khi thấy HĐ1 “đứng” được ở An Giang với diện tích hằng ngàn ha do được bà con tín nhiệm.

Tiến sĩ Vũ Anh Pháp cho biết thêm, cũng trong vụ đông xuân 2006-2007, qua khảo nghiệm quốc gia tại 6 điểm: Bình Thuận; Long An; Ô Môn, Cờ Đỏ (TP Cần Thơ); An Giang, Kiên Giang, kết quả: HĐ1 (do anh Nguyễn Văn Tính, ở Mỹ Lâm, Hòn Đất, Kiên Giang chọn tạo) có khả năng phát triển do năng suất khá, ổn định; hạt dài đẹp; khả năng chống chịu rầy nâu, lùn lúa cỏ khá. TM3 (anh Dương Văn Châu, ở Thanh Mỹ, Châu Thành, Trà Vinh là tác giả) có năng suất trung bình; hạt dài đẹp; tỷ lệ gạo bạc bụng thấp; hơi nhiễm cháy lá và nhiễm nặng lùn lúa cỏ.

Cũng như các cơ quan liên kết ở khắp các tỉnh ĐBSCL, trong 2 vụ đông xuân 2006-2007 và hè thu 2007, Viện PTĐB đã cung cấp 75 dòng phân ly (từ F2 đến F7) cho 11 cộng đồng thuộc các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Từ các tổ hợp do bà con tự chọn và lai tạo, kết quả hàng trăm dòng lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, chiều cao trung bình, bông to, hạt dài, có khả năng chống chịu rầy nâu… đã được chọn sử dụng cho những vụ tiếp theo.

Bên cạnh đó, từ các giống triển vọng do Viện PTĐB cung cấp, các cộng đồng đã thử nghiệm và tuyển chọn các giống lúa: MTL460, MTL463, và MTL497. Cũng trong vụ đông xuân vừa qua, 11 cộng đồng thuộc 7 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu đã được Viện cung cấp 2 giống lúa đầu dòng kháng rầy triển vọng MTL384 và HĐ1, mỗi loại 220kg. Từ lượng giống ban đầu đó, bà con đã sản xuất được 132 tấn giống MTL384; riêng HĐ1 được 1.999 tấn (do nông dân tự trao đổi thêm nguồn giống). Cùng với những giống lúa khác được sản xuất từ các cộng đồng, lượng giống lúa sản xuất ra lên đến khoảng 8.000 tấn, đủ đáp ứng nhu cầu về giống cho diện tích 61.000 ha…

Còn nhiều vấn đề bàn thảo tại cuộc họp ngày 4-6-2007 cho kế hoạch hoạt động của dự án CBDC-BUCAP từ nay đến cuối năm. Trong đó, sôi nổi, “tốn” thời gian, và lý thú nhất là vấn đề đặt tên cho giống lúa do nông dân chọn tạo, và “Nên chăng tất cả các giống lúa cộng đồng đều được đưa đi khảo nghiệm quốc gia?”. Hầu như tất cả đại biểu các Trung tâm Giống, Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn 13 tỉnh, thành, Ban điều phối dự án CBDC-BUCAP ĐBSCL, Ban quản lý dự án quốc gia… đang có mặt tại cuộc họp, đều thống nhất: Trừ các giống lúa nổi bật có thể đưa đi khảo nghiệm cấp quốc gia, cơ quan chức năng của địa phương nên khảo nghiệm, công nhận giống lúa cấp tỉnh để kịp thời đưa vào sản xuất; và tỉnh sẽ đặt tên giống lúa theo tên của địa phương để dễ dàng quản lý…

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

 

Theo Báo Cần Thơ