Xác chết “phiêu lưu ký” của những người nổi tiếng

Xác chết

Rất nhiều danh nhân thế giới đã không được hưởng một cái chết yên bình…

Lâu nay, chúng ta vẫn luôn có quan niệm rằng, người chết cần phải được yên nghỉ. Thế nhưng, trong lịch sử thế giới, rất nhiều những danh nhân đã không được tận hưởng một cái chết bình yên nơi “suối vàng” như thế. Có lẽ vì sự nổi tiếng của mình, thân xác họ đã phải trải qua nhiều cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ…

1. Alexander Đại đế

Lịch sử cổ đại từng ghi nhận thời kỳ của một trong những vị tướng vĩ đại nhất – Alexander Đại đế. Là vua của xứ Macedonia, ông là một chỉ huy tài ba, nắm giữ kỷ lục bất bại trong những cuộc chiến mình tham gia. Tuy nhiên, cuộc đời của danh tướng này kết thúc rất sớm, khi ông mới 32 tuổi.

Cả một đời nay đây mai đó, Alexander ít khi trở về quê nhà Macedonia, vậy mà tới khi qua đời, thân xác của ông cũng phải chịu cảnh tương tự. Theo các tài liệu lịch sử, sau khi mất ở Babylon năm 323 TCN, thi hài của Alexander đại đế được đưa tới thành phố cổ Memphis, Ai Cập.

Hai thập kỷ sau, nó được chuyển tới cảng Alexandria – thành phố mà chính ông đã tìm ra. Vào cuối thế kỷ III, mộ của ông được chuyển tới một địa điểm khác trong thành phố.


Quan tài của Alexander đại đế

Sau này, có một câu chuyện bi hài đã xảy ra khi Julius Caesar, Caligula và Augustus tới viếng mộ vị hoàng đế vĩ đại. Để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình, Augustus đã cúi xuống hôn thi hài Alexander. Song thật không may, ông này đã vô tình làm gãy mũi của hoàng đế.

2. Napoleon Bonaparte

Câu chuyện về cuộc đời hoàng đế nước Pháp có lẽ không ai là không biết tới. Sau một sự nghiệp lẫy lừng, uy danh, Napoleon vĩ đại ngày nào cuối cùng lại qua đời tại một hòn đảo Anh quốc nhỏ bé, heo hút vào năm 1821.


Napoleon sống những ngày cuối đời buồn thảm trên đảo St. Helena

Số phận nghiệt ngã vẫn còn đeo đuổi vị hoàng đế này sau khi ông qua đời. Năm 1841, xác của ông mới được đưa về Pháp. Thi hài của Napoleon thậm chí còn bị các bác sĩ khám nghiệm tử thi “quá độ”. Họ đã cắt bộ phận sinh dục của hoàng đế, trộm một số đồ đạc khác của ông, làm thành một bộ sưu tập đem đấu giá ở London năm 1916.

Sau này, dương vật của Napoleon trở thành một món đồ quý giá được giới sưu tập săn lùng ghê gớm. Nó từng được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Pháp ở New York và qua tay rất nhiều chủ nhân.

Hiện nay, bộ phận lưu lạc của hoàng đế Pháp vẫn thuộc quyền sở hữu của con gái bác sĩ niệu khoa Lattimer – người đã bỏ hơn 38.000 USD (khoảng 760 triệu VND) mua lại nó năm 1977.


Vật được cho là dương vật lưu lạc của hoàng đế quá cố

3. Ludwig van Beethoven

Beethoven là thiên tài âm nhạc người Đức, tác giả của bản Sonate Ánh trăng nổi danh. Tài hoa bạc mệnh, Beethoven ra đi trong đói nghèo và bệnh tật hành hạ năm 1827.

25 năm trước cái chết của mình, Beethoven có viết một bức thư than phiền về sức khỏe của mình. Ông cũng nói về ước muốn sau khi mất, nguyên nhân cái chết của ông sẽ được công khai cho mọi người cùng biết. Di nguyện của ông đã được thực hiện, song nó lại vượt quá những gì ông có thể tưởng tượng.


Khuôn mặt Beethoven khi được khám nghiệm tử thi

Bác sĩ Johann Wagner – người khám nghiệm tử thi Beethoven đã tách hộp sọ của nhà soạn nhạc cẩu thả, khiến chúng không thể ghép lại gọn gàng với nhau. Xương tai của Beethoven cũng bị lấy ra, có lẽ là để phục vụ việc nghiên cứu thính lực của nhà soạn nhạc quá cố và rồi không bao giờ tìm thấy.

Kết quả sau khám nghiệm tử thi được công bố rằng, Beethoven nhiễm độc chì và chết vì chứng bệnh cổ chướng, phù nề quá nặng.


Mặt nạ được chế tạo mô phỏng lại khuôn mặt của Beethoven

Mặc dù thi thể của ông sau đó được chôn cất đàng hoàng, nhưng sau này, người ta vẫn tìm thấy một số mảnh xương vương trên đất, trong hành lý cá nhân một nhà nhân chủng học năm 1945. Mới đây nhất, năm 2005, giới nghiên cứu lại phát hiện những sợi tóc của Beethoven ở California nhờ công nghệ ADN.

4. Charles Chaplin

Chaplin được biết tới với cái tên “vua hề Sác-lô” là diễn viên kịch câm và hài xuất sắc mọi thời đại. Sau khi hoàn thành bộ phim cuối cùng A Countess from Hong Kong, sức khỏe của ông ngày càng suy sụp. Cuối cùng, khi đang ngủ đúng vào ngày Giáng Sinh năm 1977, Chaplin qua đời tại Thụy Sĩ, thọ 88 tuổi.

Thi hài ông được chôn cất ngay tại nơi ông sống những ngày cuối cùng. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, đầu năm 1978, người ta phát hiện mộ của Chaplin đã bị đánh cắp, thi hài ông đã không cánh mà bay. Sự thật, một nhóm các tên trộm đã thực hiện phi vụ này, chúng đã yêu cầu khoản tiền chuộc 600.000 USD (khoảng 1,26 tỷ VND theo tỷ giá hiện tại) cho thi hài của Chaplin.


Ngôi mộ của Charles Chaplin bị đánh cắp


Nơi an nghỉ hiện tại của vua hề Sác-lô

Rất may, sau 5 tuần điều tra phá án, cảnh sát Thụy Sĩ đã bắt được hung thủ. Theo chỉ dẫn của chúng, người ta tìm ra thi hài của vua hề đã được giấu chôn ở một cánh đồng ngô cách nhà Chaplin khoảng 1,6km. Ngay sau khi được tìm thấy, thi hài Chaplin đã được tái chôn cất trong một ngôi mộ khác bằng bê tông.

 

Theo Trí Thức Trẻ