Nghiên cứu mới cho thấy hầu hết các thiên thạch sao Hỏa trên Trái đất đều nhỏ hơn tuổi dự đoán trước đây đến gần 4 tỉ năm.
Hợp tác với các đồng nghiệp Mỹ và Anh, các nhà khoa học thuộc Đại học Tây Ontario (Canada) cho hay, phát hiện trên đã giải mã câu đố lâu nay trong lĩnh vực khoa học chuyên nghiên cứu về sao Hỏa.
Mẫu thiên thạch sao Hỏa tại Viện Bảo tàng Hoàng gia Ontario – (Ảnh: Viện Bảo tàng Hoàng gia Ontario)
Báo cáo cũng cho thấy một bức tranh rõ ràng hơn về sự tiến hóa của hành tinh đỏ cằn cỗi so với Trái đất nuôi dưỡng sự sống, theo chuyên san Nature.
Nhóm chuyên gia đã dùng bộ sưu tập thiên thạch của Viện Bảo tàng Hoàng gia Ontario để dẫn chứng.
Họ chỉ ra rằng những thiên thạch này có nguồn gốc từ dòng chảy dung nham 200 triệu năm trên sao Hỏa, chứa dấu ấn hóa chất cho thấy lớp đá bên dưới bề mặt hành tinh có niên đại gần như cùng lúc với hệ mặt trời.
Khi giám định các tinh thể xuất hiện trên bề mặt trong khi thiên thạch phóng đi từ sao Hỏa đến Trái đất, các nhà khoa học có thể giới hạn thời gian xuất phát cách đây chưa đầy 20 triệu năm trước.
Cũng dựa trên thông tin đó, các chuyên gia đồng thời xác định được những địa điểm nhiều khả năng đã sản sinh ra thiên thạch, cụ thể là từ các sườn siêu núi lửa ở vùng xích đạo sao Hỏa.
Theo Thanh Niên