Các chuyên gia phát hiện hàng chục nghìn con sứa buồm trôi dạt vào bờ biển đảo Nam, New Zealand.
Hàng chục nghìn con sứa buồm, còn gọi là “thủy thủ nương theo gió”, dạt vào bờ biển phía tây đảo Nam, New Zealand, Telegraph hôm 14/10 đưa tin. Chúng phủ kín đặc khu vực rộng 18 x 4 mét trên bãi biển và sẽ nhanh chóng mục rữa dưới nắng, bốc mùi khó chịu.
Sứa chết phủ kín đặc khắp một vùng rộng lớn trên bãi biển. (Ảnh: Firenews).
Thời điểm này đang là mùa xuân ở New Zealand. Các nhà bảo tồn thiên nhiên cho biết, những con sứa thường dạt vào bờ trong mùa xuân, khi nhiệt độ tăng lên. Tuy nhiên, họ rất kinh ngạc trước số lượng khổng lồ lần này.
“Việc nhiều sứa như vậy cùng trôi dạt vào một địa điểm rất bất thường. Chúng là sinh vật phổ biến ở bờ biển phía tây và xung quanh New Zealand, đôi khi cũng dạt bờ, nhưng thường chỉ vài chục đến vài trăm con”, đại diện Bộ Bảo tồn New Zealand (DOC) nhận xét.
Hiện tượng sứa buồm dạt bờ hàng loạt cũng từng được ghi nhận ở một số nơi khác trên thế giới như California hay Oregon, Mỹ.
Các sinh vật biển trôi vào bờ nhiều hơn trong những tháng mùa xuân, Don Neale, chuyên gia về biển tại DOC, nói với New Zealand Herald.
Sứa buồm dạt vào bờ biển California năm 2014. (Video: YouTube).
“Khi biển bắt đầu ấm lên vào mùa xuân, mọi loài sinh vật sống trôi nổi sẽ phát triển mạnh. Chuyện những sinh vật như vậy dạt bờ là bình thường, tương tự như hiện tượng “thủy triều đỏ” ngoài biển”, ông giải thích.
Sứa buồm không nguy hiểm với con người, nhưng chúng có thể chích và bắt những con mồi nhỏ, theo Jelly Watch.
Sứa buồm thường sống ở những vùng biển xa bờ, bộ phận giống chiếc buồm nhỏ giúp chúng di chuyển nhờ sức gió. Tuy nhiên, vì chỉ đi xuôi chiều hoặc chệch hướng gió một chút nên chúng thường bị thổi dạt bờ với số lượng lớn.
Theo VnExpress