Bạn đã từng xem phim “Xác ướp Ai Cập” chưa? Lần đầu tiên xem phim này (và cả những phim sau có hình ảnh xác ướp xuất hiện) tôi luôn băn khoăn tự hỏi:
Tại sao xác ướp không mặc váy? Hình như thế gian này chỉ tuồng một giống đàn ông đứng dậy khua khoắng dọa dẫm? Hay đàn bà không được ướp xác theo cách của đàn bà, tức là lồng xác ướp vào trong một cái váy? Bởi rõ ràng thời Ai Cập cổ đại, thế giới này đã xuất hiện thứ thời trang cuộn tròn một người đàn bà trong vải kia mà!
Lồng xác ướp vào một cái váy đẹp cũng không làm thay đổi lịch sử nhân loại.
Tôi nhớ là từ hồi tôi bắt đầu… biết nhớ, tức là chừng bắt đầu đi học tới giờ, trong đầu tôi chỉ toàn dấu hỏi. Và có lẽ tôi sống được cho đến giờ, một phần lớn nhất, say sưa và mê mải nhất của đời mình, là tự đi tìm những câu trả lời cho những dấu hỏi miên man bất tận trong đầu mình. Tôi không phải là chuyên gia ướp xác, nhưng tôi vẫn có thể chắc chắn với bạn rằng, lồng xác ướp vào một cái váy đẹp cũng không làm thay đổi lịch sử nhân loại, cũng không khiến cho thế giới này trở nên tồi tệ hơn. Thế thì tại sao lại không?
Chúng ta thường nhìn thấy xác ướp được quấn băng trắng toát từ đầu tới chân. Nên chúng ta nếu chỉ nhìn thôi, không bao giờ biết bên trong những lớp băng trắng như thạch cao ấy thực sự chứa đựng cái gì! Chúng ta chỉ có thể đoán rằng, ngày xưa, những người được ướp xác, đàn ông thì rất quyền quý giàu sang, đàn bà thì rất đẹp đẽ quyền lực. Mọi ước đoán đó chỉ là ước lệ và tương đối, bởi ngay cả nhà cổ sử hay chuyên gia khảo cổ cũng không thể đưa ra đáp án cuối cùng chính xác 100% rằng, bên trong cái “xác ướp” đó thực sự là ai?
Tôi thường đi dọc những con phố giờ tan tầm với cảm giác bùi ngùi, đường đông, xe lắm, người nhiều, mọi công sở luôn đổ ra đường những con người ưu tú nhất của nó. Và dù chúng ta là ai, cuối ngày chúng ta cũng phải rời công sở về nhà, trừ phi chúng ta làm nghề bảo vệ ban đêm, ta ngủ đêm tại một công sở.
Không gì xấu hơn là những trưa nắng, phụ nữ túa ra từng đám từ các cao ốc và vừa diện thời trang công sở vừa xách túi ni-lông lắm màu
Tôi đã tự cho phép mình về hưu từ tuổi 37. Nên giờ tan tầm là một cảm giác lạ lùng, ta sẽ thảnh thơi chạy xe giữa một rừng thời trang công sở. Những đám tắc đường là một cuộc trình diễn thời trang công sở, mà ở đó, ngay cả một anh lái taxi hay đi chở bếp gas cũng có đồng phục! Và cứ đi dọc phố, thứ đập vào mắt nhiều nhất cũng vẫn là những cửa hàng thời trang công sở. Có người nói, kinh tế càng đi xuống, các cửa hàng bán thời trang công sở và son môi càng ăn nên làm ra. Bởi ta có thể bóp mồm bóp miệng, giảm bữa ăn, mặc lại đồ lót cũ, gội đầu bằng nước lã. Mọi khoản chi tiêu đều cắt, riêng khoản tiền chi ra mua son môi và thời trang công sở vẫn phải giữ nguyên, bởi đó là cái đầu tiên đập vào mắt đối tác và đồng nghiệp, cũng là thứ đầu tiên người ta nhìn thấy ở người đối diện.
Thứ ám ảnh tôi là những chiếc váy thời trang công sở. Cứ thời trang công sở là phải váy ấy, áo ấy, đôi giầy kiểu ấy, màu sắc ấy. Không gì xấu hơn là những trưa nắng, phụ nữ túa ra từng đám từ các cao ốc và vừa diện thời trang công sở vừa xách túi ni-lông lắm màu, hoặc vừa đi vừa nhìn chung quanh vừa xỉa răng. Tất nhiên đó chỉ là cảm nhận cá nhân của một người đã về hưu từ năm 37 tuổi.
Tốt nghiệp THPT, nếu thi trượt đại học, ta luôn đau khổ, cảm xúc thực tế là, nếu ta chui được vào trường đại học, giấu được mình vào đám đông sinh viên, rõ ràng ta yên tâm hơn hẳn về tương lai. (Dù thực chất sau này ra trường, chúng ta nhận ra, cảm xúc ấy thật vô căn cứ! Đại học hay không đại học cũng vẫn chạy vạy xin việc như ai!).
Càng khác biệt với đám đông, chúng ta càng có vẻ thiếu an toàn. Đó là lý do vì sao thời trang công sở ăn nên làm ra.
Tốt nghiệp đại học, xin mãi chưa có việc làm ổn định, ta nhìn thấy những bạn cùng lớp đã mặc bộ đồng phục công ty đi ra đi vào cao ốc, chúng ta sốt ruột chứ. Lúc ấy, thời trang công sở là biểu tượng của một giấc mơ kẻ thất nghiệp. (Thực ra, đến lúc được khoác thứ đó lên người, cảm xúc của bạn sẽ trôi ngược 180 độ: Chỉ muốn cởi ra cho đỡ gò bó!)
Khi đã khoác lên người bộ đồng phục của một tập đoàn, một ngân hàng, thậm chí bộ trang phục đó còn quy định rõ giày phải màu đen, cà-vạt phải màu xanh v.v…, lúc ấy chúng ta thèm muốn những thứ thời thượng hơn, những trang phục công sở không phải loại đồng phục may sẵn, ta thèm đính lên cổ áo một cái tên của nhà thiết kế nào đó.
Hành trình ấy giống như sự “lên đời” của cây son môi trong ví bạn. Thời đi học, là kem nẻ có màu hồng. Mới tốt nghiệp, là cây son được tặng. Đã đi làm, là cây son có mức giá và nhãn hiệu trung bình. Rồi dần dà, cây son là hàng hiệu, kèm theo dưỡng da, chống nắng, kem vùng mắt, sữa dưỡng thể, và nước hoa, ngày càng đắt tiền hơn.
Rốt cuộc, những điều ấy thực sự có ý nghĩa gì với một người phụ nữ? Chúng ta ngày càng giống đám đông hơn, chúng ta ngày càng yên tâm về bản thân hơn, chúng ta ngày càng lạm dụng cảm giác an toàn trong không gian chung, nghĩa là càng tiết chế những không gian cá nhân hơn.
Họ không bán quần áo, họ bán cảm giác chuyên nghiệp và nghiêm túc.
Tôi thích đi “đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ”. Tôi thích vì nó giống với bản chất và thói quen của tôi, chứ không phải vì Bác Hồ đã từng xỏ chân vào nó! Khốn nỗi, đã gần mười lần tôi bị nhắc nhở vì điều đó. Nhẹ thì thắc mắc, nặng nề thì bảo, sao không mua lấy đôi dép tử tế mà đi!
Tôi có cô bạn gái, cô ấy đến công sở mới bằng chiếc xe đạp. Bức thư đầu tiên mà sếp gửi vào hòm mail cho nhân viên mới là: “Không ngờ em khó khăn thế. Công ty sẽ tạm ứng lương cho em, để em mua xe máy!”. Càng khác biệt với đám đông, chúng ta càng có vẻ thiếu an toàn. Đó là lý do vì sao thời trang công sở ăn nên làm ra, vì họ không bán quần áo, họ bán cảm giác chuyên nghiệp và nghiêm túc. Và tất nhiên, an toàn, cho cả bạn lẫn người tuyển dụng bạn!
Son phấn che lớp đầu tiên trên da, chúng ta tin rằng, không trang điểm đúng mức là thiếu tôn trọng người khác. Tự bạn quấn lớp băng đầu tiên lên mình theo cách người ta ướp xác.
Có thể người trả lương cho bạn yêu cầu bạn quấn lớp băng tiếp theo, bằng thời trang công sở, bằng một cái danh thiếp theo đúng quy định, bằng vô số những quy tắc triệt tiêu cái tôi lạc loài trong đám đông.
Chúng ta chan hòa với đồng nghiệp dù biết chắc trong số đó có những người ta ghét cay đắng, những người ta chẳng muốn đứng trò chuyện lâu, những người ta rất thờ ơ với họ. Chính chỉ số EQ của bạn, một trong những tố chất khiến bạn có thể thăng tiến hay không, lại là một áp lực khiến bạn tự che giấu bản thân mình nhiều hơn.
Đã có sáng nào tỉnh dậy, bạn nhìn thấy trong gương là người phụ nữ mà xã hội mong muốn chứ không phải là người phụ nữ mà bạn mong muốn được là? Thế nhưng bạn vẫn tiếp tục cầm thỏi son lên và tô, cho kịp giờ đi làm?
Bởi bạn biết rõ rằng, cho dù chúng ta thật tài giỏi, chúng ta cũng bị chặn lại ngoài phòng họp chỉ bởi cái bề ngoài luộm thuộm? Cho dù chúng ta chat rất ăn ý và cực kỳ tâm đầu ý hợp với một nick trên mạng, thậm chí đã yêu một người trên mạng, thì khi gặp gỡ, ấn tượng đầu tiên và vẻ bề ngoài vẫn quyết định chúng ta có thực sự yêu nhau hay không! Một khi thế giới chúng ta đang sống là cái thế giới để cho bề ngoài quyết định tất cả, thì chúng ta vẫn phải bó mình cho kín như một cái xác ướp trước khi mặc lên bộ thời trang công sở, để mặc xã hội này có nhìn thấy cái gì từ chúng ta hay không!
Bi kịch của thế giới này là, nếu bạn là siêu nhân, bạn vẫn phải mặc bộ quần áo siêu nhân Super Man thì mới được xã hội đối xử như siêu nhân. Còn bạn mặc quần thủng đít thì bạn chỉ được đối xử như một thằng mặc quần thủng đít.
Còn bi kịch của cả đàn bà lẫn đàn ông lại là: Những người mặc thời trang công sở vẫn bị sa thải như thường, cho dù mặc đẹp!
Và bi kịch của một số phụ nữ thì là: Có thể bề ngoài sẽ quyết định chúng ta có yêu nhau hay không, nhưng những gì ở bên trong mới quyết định, chúng ta yêu nhau liệu sẽ được bao lâu!
Trang Hạ
Nguồn: Theo phununews
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.