Xâm hại vịnh Hạ Long

Xâm hại vịnh Hạ Long

Xâm hại vịnh Hạ LongMôi trường vịnh Hạ Long đang bị đe dọa, các hoạt động khai thác than, lấn biển, nuôi trồng thủy hTheo Tuổi Trẻ Onlineải sản… ngày càng diễn ra với chiều hướng gia tăng…”

Ông Ngô Hùng, trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, bức xúc khẳng định với TTCN “Cứ đà này nếu không được ngăn chặn kịp thời, môi trường di sản thế giới vịnh Hạ Long sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng”.

Từ trước đến nay, nói đến Quảng Ninh người ta thường nghĩ đến điểm du lịch nổi tiếng là vịnh Hạ Long, nhưng cũng ít ai biết được rằng bên cạnh đó là một vùng mỏ than ngày đêm hoạt động không ngưng nghỉ. Những con đường chính trong thành phố như Cao Xanh, Hà Lầm… phải thường xuyên tưới nước quanh năm vì bụi.

“Công nghiệp có khói” song hành với “công nghiệp không khói”

Xâm hại vịnh Hạ Long

Dự án “vô tư” lấn biển của Công ty cổ phần quốc tế Hoàng Gia

Theo ông Ngô Hùng, tình trạng ô nhiễm môi trường ở thành phố Hạ Long luôn được người dân và chính quyền quan tâm nhưng khi đi vào giải quyết vấn đề thì chỉ… giậm chân tại chỗ vì các công ty than ngày càng tăng công suất khai thác mỏ. Hiện nay, hầu hết nước thải mỏ và đất thải mang tính axit, độ đục cao đều được đổ trực tiếp ra vịnh mà không qua bất cứ qui trình xử lý nào.

Tại những mỏ than Hà Tu, cảng than Cầu Trắng, Cao Sơn… tình trạng đổ thải vẫn còn xảy ra. Tại các cảng than, tình trạng vận chuyển, bốc rót than trong “vùng bảo vệ tuyệt đối” vẫn có. Nhiều tàu trọng tải lớn đến nhận than không vào cảng được phải dùng biện pháp chuyển tải nên lượng than rơi vãi xuống vịnh Hạ Long khá nhiều.

Báo cáo hiện trạng môi trường vịnh Hạ Long năm 2004 cho biết: tại các khu vực ven bờ vịnh Hạ Long đã có những biểu hiện ô nhiễm cục bộ do tăng lượng chất rắn lơ lửng (TSS), giảm lượng oxy hòa tan (DO); nitrơrit và khuẩn gây bệnh ColiForm tại các khu vực như Lán Bè, Vựng Đâng và cảng than ven bờ nam Cầu Trắng… đã gây độ đục xấp xỉ hoặc vượt tiêu chuẩn cho phép.

“Nước ở vịnh Hạ Long không còn trong xanh nữa” – ông Nguyễn Thế Hưng, nhà ở phố Hải Trường, phường Hồng Hải, đã thốt lên như vậy. Ông cho biết mấy năm trước còn ra tắm ở vịnh nhưng từ mùa hè năm ngoái đến nay ông không dám đặt chân xuống vịnh vì sợ… bẩn.

Những mối đe dọa…

Xâm hại vịnh Hạ Long

Đổ đất lấn biển trên vịnh Hạ Long

Theo thống kê của BQL vịnh Hạ Long, hiện nay khu vực Hạ Long – Cẩm Phả có 21 dự án lấn biển và 17 dự án đổ bùn thải. Những dự án này nếu làm đúng qui trình và qui định sẽ giúp thành phố Hạ Long giải quyết tốt vấn đề qui hoạch đô thị.

Bên cạnh đó, các dự án lấn biển đều nhằm mục đích đô thị hóa và xây dựng những điểm du lịch, giải trí… góp tăng phần hấp dẫn đối với du khách khi đến với vịnh Hạ Long. Thế nhưng các dự án này hiện đang là mối đe dọa trực tiếp nghiêm trọng đến vùng di sản.

Theo qui định, các dự án lấn biển phải tuân thủ nghiêm ngặt những qui định như: đắp bờ vây, chống bồi lắng bùn cát trước khi đổ thải; phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, có phương án kỹ thuật thi công; thực hiện quan trắc môi trường; nạo vét bùn khi hoàn thành dự án. Dự án phải thực hiện đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đúng qui trình san lấp mặt bằng, hút và vận chuyển đất, đá, bùn đúng nơi qui định.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần quốc tế Hoàng Gia làm dự án công viên đã “vô tư” lấn biển trong khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt qui hoạch. Đến khi các cơ quan chức năng biết thì… việc đã rồi. UBND tỉnh xử lý bằng cách giao Sở Tài chính cùng các ngành liên quan nghiên cứu… đề xuất giá tiền sử dụng đất với phần diện tích đất mà công ty đã lấn chiếm (!).

Bên cạnh đó, hiện tượng phá, mất rừng ngập mặn lại diễn ra với mức độ báo động. Theo thống kê từ năm 1998 – 2003, diện tích rừng ngập mặn ven bờ vịnh Hạ Long đã mất 866ha. Trong đó diện tích rừng ngập mặn bị phá để nuôi trồng thủy sản chiếm 732ha. Theo đánh giá của Sở KH-CN Quảng Ninh, rừng ngập mặn ven bờ vịnh Hạ Long bị phá hủy đồng thời giảm sản lượng hải sản và làm tăng nồng độ ô nhiễm ven bờ, phát tán chất ô nhiễm ra vịnh.

Hiện nay, thành phố Hạ Long có 5 mỏ khai thác lộ thiên, 3 mỏ khai thác hầm lò và 5 cảng. Tại thị xã Cẩm Phả có 7 mỏ khai thác lộ thiên, 14 mỏ khai thác hầm lò và 10 cảng. Bên cạnh đó, Hạ Long và Cẩm Phả còn có 4 nhà máy tuyển than đang hoạt động.

Qui trình khai thác mỏ, khai thác lộ thiên là bốc xúc đất đá và đổ thải ra các bãi thải của mỏ. Bốn bãi thải ven bờ vịnh Hạ Long hiện nay lúc nào cũng trong tình trạng quá tải như bãi thải nam Đèo Nai rộng 230ha, bãi thải tuyển than Cửa Ông rộng 125ha…Tổng lượng nước thải mỏ hằng năm đổ ra vịnh là 30 triệu m3.

Và hậu quả việc san lấp mặt bằng, lấn biển vô tổ chức đã làm diện tích rừng ngập mặn bị mất, dòng chảy bị thu hẹp, tốc độ dòng chảy cao cuốn theo đất đá gây lắng đọng trầm tích cho vịnh Hạ Long.

Việc lắng đọng trầm tích này còn liên quan đến các dự án hút bùn, đổ thải. 17 dự án đổ bùn thải xuống vịnh Hạ Long có tổng khối lượng là 4.742.155m3 (đã thực hiện được 4.507.829m3). Tuy nhiên, chưa có cơ quan quản lý nào giám sát được việc đổ thải tùy tiện này tại vịnh Hạ Long. Có nhiều dự án tự tiện xả bùn vào vùng bảo vệ tuyệt đối và vùng đệm di sản vịnh Hạ Long.

Năm 2004 có 1.551.000 lượt khách đổ về Hạ Long. Do lượng khách tăng nên các dịch vụ tàu thuyền cũng tăng theo. Hầu hết các tàu không có thiết bị thu gom và xử lý nước thải, toàn bộ được thải trực tiếp ra vịnh. Nhiều tàu bán xăng dầu vẫn đi lại tự do mua bán trên vịnh mà không gặp một trở ngại nào. Chất thải và rò rỉ của những cây xăng dầu di động này đều trực tiếp xả xuống vùng di sản.

Do du khách thích đi thăm làng chài trên vịnh nên những hộ dân trên bờ “dời đô” xuống vịnh để kinh doanh nhà bè ăn uống hoặc nuôi trồng thủy hải sản. Hiện nay có 126 bè neo đậu sai qui định và tất cả các bè này đều không có giấy phép vệ sinh môi trường, đều thải chất thải trực tiếp xuống biển.

Bên cạnh đó, việc nuôi trồng hải sản bằng đầm, đăng, rào lại rất phổ biến. Tại TP Hạ Long có 1.140ha, huyện Hoành Bồ 686ha, thị xã Cẩm Phả có 500ha. Hiện tượng này đã làm thay đổi kết cấu đất ven bờ vịnh, tăng nguy cơ xói lở, bồi lắng, tăng độ đục của nước.

Tháng 7-2005, kiểm tra 21 dự án lấn biển thì chỉ có:

– 5 dự án thực hiện nạo vét bùn

– 1 dự án báo cáo định kỳ về công tác môi trường

– 2 dự án thực hiện quan trắc môi trường

– 11 dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường

– 16 dự án có thiết kế kỹ thuật thi công

– 12 dự án không thực hiện việc đắp bờ, vây cát chống bồi lắng

ĐỖ HỮU LỰC

 

Theo Tuổi Trẻ Online