Hàng trăm nghìn tấn dưa hấu bị vứt bỏ hàng năm trên khắp thế giới có thể trở thành nguồn nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Ethanol là loại nhiên liệu dạng cồn được sản xuất bằng phương pháp lên men và chưng cất các loại ngũ cốc chứa tinh bột có thể chuyển hóa thành đường đơn (như bắp, lúa mì, lúa mạch). Ngoài ra, chất cồn này còn được sản xuất từ cây, cỏ có chứa cellulose. Người ta gọi đó là ethanol sinh học. Ethanol là chất phụ gia để tăng trị số Octane (trị số đo khả năng kích nổ) và giảm khí thải độc hại của xăng.
Theo Telegraph, hàng năm nông dân và các siêu ở châu Mỹ thị loại bỏ khoảng 1/5 lượng dưa hấu (tương đương 360.000 tấn) trên đồng ruộng trong mỗi vụ do chúng không đạt tiêu chuẩn (có hình dạng méo mó hoặc bầm dập trên vỏ). Nông dân thường biến chúng thành phân xanh để bón ruộng. Các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp Mỹ khẳng định lượng dưa hấu bị vứt có thể tạo ra gần 9 triệu lit nhiên liệu sinh học ethanol.
Tiến sĩ Wayne Fish, một nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, khẳng định rằng 50% số quả dưa hấu bị vứt bỏ có thể tạo ra ethanol nhờ quá trình lên men.
“Chúng ta đều biết dưa hấu chứa đường. Những thử nghiệm của chúng tôi cho thấy đường có thể được chưng cất thành ethanol. Như vậy những quả dưa hấu mà loài người vứt bỏ có thể trở thành nguồn cung cấp đường cực lớn cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học. Nếu tính trung bình thì lượng dưa hấu không đạt tiêu chuẩn trên một hecta trên ruộng dưa hấu có thể tạo ra khoảng 90 lít ethanol. Thế mà trong suốt bao năm qua chúng chỉ được coi như rác”, ông nói.
Các nước phương Tây đang khuyến khích việc sản xuất nhiên liệu sinh học để thay thế nhiên liệu hóa thạch. Liên minh châu Âu muốn nhiên liệu sinh học chiếm 5,75% tổng lượng nhiên liệu dành cho phương tiện giao thông vào năm 2010. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán mục tiêu này rất khó thực hiện.
Theo Minh Long – Vnexpress