Các nhà khoa học đề nghị xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên cho vùng biển huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), do hệ sinh thái biển ở đây đang bị tác động mạnh bởi thiên tai và tình trạng khai thác ồ ạt của con người.
Đề xuất này được nhiều nhà khoa học đưa ra tại hội thảo về đề tài Điều tra, đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái, xây dựng luận cứ khoa học đề xuất dự án khu bảo tồn thiên nhiên biển phục vụ du lịch ở vùng biển ven bờ huyện Lý Sơn, sáng 18/8.
Chủ nhiệm đề tài, PGS-TS Vũ Thanh Ca, Phó Viện Trưởng Nghiên cứu Quản lý biển và hải đảo cho biết, sau một năm khảo sát, nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện ở huyện đảo Lý Sơn có 685 loài động, thực vật. Trong đó có 150 loài cá, 94 loài thân mềm, 15 loài giáp xác, 36 loài san hô, 150 loài rong biển.
Hòn Đụn, thắng cảnh hấp dẫn du khách ở xã An Bình (đảo Bé), huyện đảo Lý Sơn.
Ảnh: Trí Tín
Xung quanh đảo có rạn san hô và cỏ biển là hai kiểu sinh thái đặc trưng. Nơi đây còn là môi trường sinh sống của nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá, tôm hùm, rùa biển, san hô xanh, san hô đen, bào ngư, trai tai tượng… “Tuy nhiên, hiện nay hệ sinh thái ở huyện đảo đang bị phá hủy từng ngày do tác động xấu của thiên nhiên và con người”, ông Ca nhận định.
Theo ông Ca, việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên biển tại đảo Lý Sơn sẽ giúp bảo tồn và khôi phục tính nguyên vẹn của các giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, sự trong lành của môi trường sinh thái đảo Lý Sơn.
Dự kiến đề tài nghiên cứu này sẽ kết thúc vào cuối năm 2011.
Gần 200 năm trước, từ đảo Lý Sơn, nhiều dân binh thừa lệnh vua triều Nguyễn đã tập hợp nhau giong buồm ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc chủ quyền quốc gia, bảo vệ biển đảo. Từ đó, những đội dân binh này mang tên Hải đội Hoàng Sa và được lưu truyền, ghi nhớ công ơn đến ngày nay.
Theo VnExpress