Xây xước ngoài da, vi khuẩn kháng thuốc “đột nhập” cơ thể.

Bệnh nhân là cháu Nguyễn Văn Linh (12 tuổi, ở Phúc Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội bị xây xước ngoài da, cho nên vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc thâm nhập vào cơ thể. Bệnh nhân nhập viện Bạch Mai ngày 14/9 trong tình trạng sốt cao, rét run, mạch nhanh, hạ huyết áp, suy hô hấp, tổn thương phổi, khớp và cơ.

Các bác sỹ khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán, bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết do vi khuẩn tụ cầu. Sau đó đã cho bệnh nhân thở máy và sử dụng lần lượt 2 trong số 3 loại kháng sinh hiện có tại Việt Nam để tiêu diệt vi khuẩn tụ cầu nhưng không có kết quả, dù loại thuốc thế hệ thứ 2 là Vancomycin ít ghi nhận trường hợp kháng thuốc. Tuy nhiên, khi tiến hành các xét nghiệm ngoài cơ thể cho bệnh nhi, các bác sĩ không thấy tình trạng vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc.


Các bác sĩ khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đang khám cho bệnh nhi trước khi ra viện.

Dù vậy, các bác sĩ vẫn khẳng định bệnh nhân nhiễm vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc và đã quyết định cho bệnh nhân sử dụng loại kháng sinh thế hệ thứ 3 là Linezolid thì thấy có hiệu quả. Tuy nhiên, lúc đó bệnh nhân đã bị biến chứng phổi, tràn khí và mủ ra ngoài màng phổi làm tăng thêm tình trạng khó thở; các bác sỹ phải phẫu thuật dẫn khí và mủ từ màng phổi ra ngoài.

Sau 1 tháng rưỡi điều trị, đến nay, bệnh nhân đã hồi phục gần như bình thường. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Hiện nay, tình trạng kháng thuốc đang rất nguy hiểm. Chúng ta chỉ hay gặp tình trạng kháng thuốc chủ yếu trong bệnh viện do những vi trùng lạ gây nên. Nhưng đây là ca đầu tiên nhiễm trùng huyết tụ cầu biến chứng tràn mủ, tràn khí màng phổi mà lại mắc từ nhà”.

Đừng chủ quan với xây xước ngoài da

Theo các bác sỹ khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, đường lây truyền vi khuẩn tụ cầu vào máu của bệnh nhi là xâm nhập qua vết thương ở chân. Loại vi khuẩn tụ cầu này thường xuất hiện ở môi trường và trên da người. Việc điều trị khá đơn giản, nhưng nếu là vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc thì bệnh sẽ tiến triển nặng, có thể tử vong và quá trình điều trị rất khó khăn, kéo dài.

PGS-TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: “Khi gặp phải nhiễm trùng xây xước ngoài da, rất nhiều người hay chủ quan và xem nhẹ. Tuy nhiện, những nhiễm trùng này cũng rất nguy hiểm. Có nhiều trường hợp sẽ tự khỏi nhưng cũng nhiều trường hợp giống như cháu Nguyễn Văn Linh kể trên, vết nhiễm trùng từ da vào máu rất nhanh, trong vòng có vài ba ngày khiến bệnh trở nặng”.

Một điểm rất cần lưu ý là không lạm dụng thuốc kháng sinh. Thường chúng ta hay có thói quen nếu chỉ thấy hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, sốt, thậm chí cảm cúm cũng sẽ ngay lập tức sử dụng kháng sinh và nghĩ rằng bệnh mau khỏi. Việc sử dụng tùy tiện kháng sinh không có chỉ định của bác sĩ như vậy sẽ gây nên hiện tượng kháng thuốc kháng sinh. Tới khi cơ thể mắc bệnh cần thiết điều trị bằng kháng sinh thì cơ thể sẽ miễn nhiễm với những loại thuốc này. Và như vậy, tính mạng sẽ vô cùng nguy hiểm”

Hoàng Thanh
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.