Thiết bị tự hành mang tên Thỏ Ngọc của Trung Quốc vẫn sống, tuy nhiên đã yếu đi đáng kể vì các nguyên nhân kỹ thuật và môi trường.
>>> Tàu Thỏ Ngọc của Trung Quốc “chết yểu” trên mặt trăng
Theo Reuters, các vấn đề kỹ thuật và nhiệt độ thấp vào ban đêm của Mặt Trăng là nguyên nhân khiến thiết bị tự hành của Trung Quốc yếu dần. Những tác động này ảnh hưởng đến khả năng vận hành của Thỏ Ngọc.
Xinhua dẫn lời Li Bengzheng, Phó chỉ huy chương trình nghiên cứu mặt trăng của Trung Quốc, cho biết, thiết bị tự hành vẫn có thể gửi dữ liệu về Trái Đất nhờ tàu thám hiểm Hằng Nga 3.
Hình ảnh xe tự hành Thỏ Ngọc trên bề mặt Mặt Trăng ngày 15/12/2013. (Ảnh: Xinhua)
Tuy nhiên, các bánh xe và tấm pin năng lượng mặt trời vốn được thiết kế để cách nhiệt trong điều kiện lạnh giá vào ban đêm đã không còn hoạt động. Chức năng của thiết bị đang bị hỏng dần theo từng ngày.
Hồi cuối tháng hai, Thỏ Ngọc được tuyên bố là “đã sống lại” sau khi rơi vào trạng tái ngủ bất thường. Truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó đưa tin, xe tự hành Thỏ Ngọc đã chết trên bề mặt mặt trăng.
Theo China News, chiếc xe tự hành “không thể khôi phục đầy đủ chức năng như mong đợi” sau sự cố trục trặc về máy móc và kiểm soát cơ học được phát hiện hồi tháng một. Sự cố bất thường xảy ra với xe tự hành do môi trường trên bề mặt mặt trăng rất phức tạp. Lúc này, nó đang thực hiện nhiệm vụ thăm dò địa chất và tìm kiếm tài nguyên tự nhiên.
Xe tự hành Thỏ Ngọc bắt đầu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu mặt trăng hôm 15/12. Thỏ Ngọc nặng 120kg, có thể leo dốc 30 độ và di chuyển với tốc độ 200m/h. Chiếc xe có 6 bánh, được trang bị 4 camera và hai chân cơ khí, thực hiện nhiệm vụ thu thập các mẫu đất trên mặt trăng.
Sứ mệnh thăm dò mặt trăng được coi là niềm tự hào lớn đối với Trung Quốc, khi nước này trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Liên Xô, đưa thiết bị tự hành lên mặt trăng.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đang thúc đẩy các chương trình không gian, phục vụ cho mục tiêu quân sự, thương mại và nghiên cứu khoa học.
Theo Vnexpress