Từ lâu, hiện tượng “hồn lìa khỏi xác” (hay “thoát xác”) vẫn là một trong những dấu hỏi lớn đối với giới khoa học. Mới đây, các nhà khoa học thuộc ĐH Ottawa (Canada) đã công bố kết quả nghiên cứu phân tích não bộ hiện tượng này.
Hiện tượng “hồn lìa khỏi xác” nhận được sự quan tâm từ lâu của giới khoa học.
Theo đó, một số khu vực ở bán cầu não trái có liên quan tới điều khiển “cảm giác chuyển động”của cơ thể. Vì vậy, chúng chi phối cảm giác việc con người rời khỏi cơ thể rồi bay lên trên, tự quan sát thấy phần cơ thể của chính mình. Đồng thời nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, hiện tượng này xảy ra ở tương đối nhiều người.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu gặp được một cử nhân tâm lý học – người quả quyết mình có khả năng tự điều khiển việc “hồn lìa khỏi xác” của bản thân ở bất cứ thời điểm nào tùy ý.
Cô gái 24 tuổi cho biết, cô có thể cảm thấy hồn của mình bay lơ lửng phía trên cơ thể, xoay theo chiều ngang trên không và thỉnh thoảng còn quan sát được phần “xác” còn lại ở phía dưới, trong khi vẫn có thể cảm nhận từng giác quan trên cơ thể mình.
Vùng não trái điều khiển “cảm giác chuyển động” của cơ thể, chi phối hiện tượng “thoát xác”
Vì vậy, các nhà khoa học đã đặt hiện tượng “thoát xác” của cô vào nhóm các hoạt động diễn ra ngoài cơ thể (ECE), tương tự hiện tượng “hồn lìa khỏi xác” do xúc động mạnh hay bởi cú shock nào đó.
Cô gái cho biết, cô bắt đầu biết tới hiện tượng thoát xác này khi còn rất nhỏ. Hồi đó, trẻ em được yêu cầu ngủ trưa ở trường nên cô thường dùng cách này để “trốn đi chơi” và vẫn duy trì thói quen đó cho tới khi trưởng thành.
Thậm chí, cô còn tưởng rằng, tất cả mọi người đều có khả năng này. Thế nên cô đã rất ngạc nhiên khi khám phá ra sự thật – mình là một trong số ít những người trải nghiệm hiện tượng kì lạ này.
Nhà khoa học Andra Smith và Claude Messier đã chụp cộng hưởng từ bộ não của cô gái 24 tuổi kể trên và kết luận, trong quá trình nghiên cứu, cô là người đầu tiên có khả năng điều khiển việc rơi vào trạng thái thoát xác của chính mình tùy ý trong khi não không có biểu hiện gì bất thường.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, hiện tượng “thoát xác” liên quan tới việc ngừng hoạt động của vỏ não thị giác. Đồng thời, một số vùng trên não trái được kích hoạt phần cảm giác chuyển động, gây ra trạng thái khiến con người có cảm giác mình đang di chuyển, dù cơ thể thực chất vẫn nằm bất động.
Việc tìm kiếm người có năng lực này để tiến hành điều tra là khá khó khăn. Nhóm nghiên cứu cho rằng, hiện tượng thoát xác xảy ra ở rất nhiều người và khá phổ biến chứ không phải là dạng năng lực siêu nhiên kì bí. Chính bởi những người gặp phải lại cho rằng đây là điều “ai cũng có thể làm” nên chúng ta chưa thống kê được tỉ lệ chính xác con số đó.