Sự thờ ơ, vô cảm, vô tâm đang trở thành căn bệnh tàn phá xã hội loài người…
Xã hội loài người ngày càng phát triển và cuộc sống chúng ta cũng vì thế mà không ngừng được cải thiện, nâng cao. Nhưng đi kèm với những điều tích cực ấy lại là một sự thật đáng buồn – con người đang ngày một thờ ơ, vô tâm với những thứ xung quanh mình, từ thiên nhiên, động vật cho tới chính giữa những đồng loại với nhau.
Dưới đây là những tấm poster gây nhiều ám ảnh, đem đến cho chúng ta những bức tranh sống động về mảng tối của cuộc sống ngày nay…
Vô tâm, thờ ơ là một thái độ tâm lý hay biểu hiện cảm xúc không yêu, không ghét với một hay một số vấn đề, công việc. Nói đơn giản, vô tâm, thờ ơ có thể được gói gọn trong câu “tôi không quan tâm”.
Trong tiếng Hy Lạp, vô tâm xuất phát từ từ “apatheia” – có nghĩa là “không có niềm đam mê”. Về cơ bản, đây là một hiện tượng tâm lý xã hội. Tuy nhiên, một số chuyên gia, trong đó có Robert Marin lại xếp vô tâm là một dạng bệnh lý thần kinh qua bài viết đăng trên tạp chí Neuropsychiatry and Clinical Neurosciences năm 1991.
Có rất nhiều lý giải khác nhau cho nguyên nhân gây ra sự thờ ơ, vô tâm. Khái niệm này lần đầu tiên được nhắc tới là trong Thế chiến thứ I, khi các chiến sĩ ngoài mặt trận cảm thấy bình thường, thậm chí vô cảm trước xác chết của đồng đội, quân thù xung quanh mình. Khi ấy, người ta cho rằng, sự thờ ơ là do não phải nhận những kích thích quá mạnh, tới nỗi tê liệt cảm giác và không có phản ứng gì với những thứ ấy.
Điều này cũng giống với người đàn ông trong poster, cứ ngang nhiên vứt rác thải công nghệ xuống dưới đáy biển, trong khi sợi dây nối TV cũng đang buộc vào chân anh ta. Phải chăng, con người đã “chịu đựng” quá nhiều lời cảnh báo đến mức thờ ơ?
Nhà hoạt động xã hội David Meslin lại có một cách lý giải khác. Ông giải thích rằng, sự thờ ơ là kết quả tất yếu của một hệ thống xã hội phát triển. Sự phát triển quá nhanh, quá mức vô tình cản trở những hoạt động đòi hỏi sự tham gia, tương tác của nhiều người. Đó là lý do mà chúng ta cảm thấy bình tâm với thế giới xung quanh, với thiên nhiên đang ngày một bị phá hủy như hiện nay.
Nhìn bức poster này, hẳn bạn sẽ nhận ra người rừng Tarzan. Nhưng liệu bạn có quan tâm rằng cứ mỗi phút trôi qua, 15km2 rừng nhiệt đới trên Trái đất biến mất. Liệu rằng, về sau những Tarzan sẽ biết đu dây về đâu?
Đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng từ căn bệnh vô tâm vô cảm nhất chính là người già, phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt hơn, đó là những người vô gia cư hoặc nghèo đói. Theo thống kê năm 2005, trên toàn thế giới có khoảng 100 triệu người vô gia cư.
Và cách mà phần lớn chúng ta đối xử với họ là: “Họ đáng thương, nhưng việc chăm sóc họ là việc của nhà nước, của các cơ quan chức trách, không phải việc của tôi”.
Bức poster này mang thông điệp: “Bữa ăn rất tệ của bạn lại là sơn hào hải vị đối với những người khác”. Trong khi trên thế giới vẫn còn hàng triệu trẻ em thiếu thức ăn, suy dinh dưỡng thì ở nhiều nơi, do thói quen văn hóa hay sự vô tâm, ích kỷ mà họ vẫn lãng phí thức ăn thừa mỗi ngày.
Riêng Mỹ – cường quốc số 1 thế giới trong năm 2012 đã vứt hơn 40% lượng thực phẩm quốc gia này sản xuất ra vào thùng rác.
Sự phát triển thái quá của công nghệ điện tử khiến con người ta thờ ơ, vô tâm với những người xung quanh và thậm chí mải mê chạy theo những giá trị ảo. Người phụ nữ trong poster liệu có biết bộ mặt thực của người bên kia là ai, bởi có ai lường trước được những gì diễn ra trên Internet?
Tạm kết: Cuộc sống không phải chỉ là của một người. Sống là “cho” và “nhận”. Bởi vậy mà mỗi chúng ta nên sống chậm lại một chút, sống có ý nghĩa, có tâm hơn để cuộc sống thêm ý nghĩa.