Xông hơi thế nào cho đúng?

Xông hơi (hay sauna) là liệu pháp hữu ích với sức khỏe đã ra đời từ xa xưa. Bằng cách dùng các loại lá, tinh dầu làm toát mồ hôi như một cách loại bỏ chất độc trong cơ thể, cho nên nhiều người vẫn thường dùng cách này khi mệt mỏi. Tuy nhiên, xông hơi cũng cần phải đúng cách, số lần trong tuần phù hợp mới đảm bảo hiệu quả. Bởi nếu xông hơi không đúng cũng có thể làm cho cơ thể càng mệt mỏi, thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe.

Anh Đức Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên đi xông hơi mỗi khi cảm thấy stress hoặc mệt mỏi. Đây là cách để anh cảm thấy nhẹ nhàng hơn sau khi bước ra từ phòng xông hơi. Mặc dù xông hơi có tác dụng là vậy nhưng 1 lần bất cẩn mà chính anh đã tự rút ra bài học cho bản thân mình. Bởi có lần anh Đức Tuấn đi xông hơi sau giờ làm, lúc cơn đói đang âm ỉ trong bụng nên cảm giác lả đi.

“Lúc đó đang đói, tôi vẫn vào xông hơi như thường ngày. Trước đó 1 ngày tôi cũng xông hơi nhưng không có vấn đề gì, song khi xông hơi được 15 phút, cả cơ thể thấy bủn rủn, khó thở, mệt mỏi. Thậm chí sau đó như xỉu đi, bước không vững. Đi ra khỏi phòng xông hơi mà vẫn không đỡ sau đó phải khám bác sĩ mới biết là bị hạ đường huyết do toát mồ hôi quá nhiều”, anh Tuấn nói.

Còn chị Thủy (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cũng hú vía khi đi xông hơi lúc đang bị ốm. Buổi sáng thức dậy thấy nhức đầu, ngạt mũi hơi ngấy sốt. Biết là bị ốm nhưng ngại ăn cháo giải cảm nên chị Thủy chọn cách vào phòng xông hơi để cho toát mồ hôi giảm bớt cảm giác khó chịu do cảm cúm.

“Nhưng tôi không biết là lúc vào xông hơi do ngồi lâu quá, cơ thể toát mồ hôi thì người càng mệt. Nhiệt độ cơ thể lên tới 41 độ C. Điều này khiến cho cả người tôi mệt mỏi, chân bước không vững, tay run và sau đó lại lạnh toát và rét run đắp 2 chăn vẫn thấy lạnh”, chị Thủy nói.

Xông hơi thế nào cho đúng?

Xông hơi là liệu pháp hữu ích nhưng từ câu chuyện của anh Tuấn và chị Thủy trên đây phải lưu ý đến an toàn khi đi xông hơi. Không xông hơi vào những thời điểm như cơ thể đang sốt cao, đói bụng hoặc sau khi ăn quá no, người mang bầu hoặc đến thời kỳ kinh nguyệt. Mặt khác, sau khi xông hơi xong không tắm dù là nước nóng hay nước lạnh vì làm như vậy sẽ khiến lỗ chân lông co lại dẫn đến nước bị ứ trệ gây bệnh tim mạch, cảm mạo…

Nhiều người mang quan niệm xông hơi nhiều là tốt, song đây là quan niệm sai. Chỉ nên xông hơi cách nhau 3 ngày 1 lần. Bởi nếu xông hơi quá nhiều, mồ hơi càng toát ra nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ tim mạch, làm mất nhiều dương khí ảnh hưởng cho sức khỏe của cơ thể. 

Khi xông, nên hít hơi sâu vào buồng phổi bằng đường mũi, nín lại vài giây rồi thở ra từ từ bằng đường miệng. Với những người bị bệnh ngoài da cụ thể là mụn trứng cá, giãn mao mạch,,,không nên xông hơi sẽ làm cho bệnh nghiêm trọng hơn. Khi xông hơi ướt chú ý có tấm lót ở dưới, không nên ngồi lên sàn vì ở trong môi trường độ ẩm 100% như vậy rất dễ phát sinh vi khuẩn hoặc mầm bệnh. 

Hiện nay, có nhiều chị em chọn xông hơi khô để toát mồ hôi nhằm giảm cân. Nhưng đây là cách giảm cân nguy hiểm bởi quá trình toát mồ hôi quá nhiều đôi khi làm cơ thể bị bệnh thậm chí là có thể bị tử vong.

Nên dùng một chén súp, hay cháo cá nóng sau khi xông hơi, xoa bóp – đó là liệu pháp dinh dưỡng giúp thông kinh, hoạt huyết rất hữu ích Mặt khác chú ý uống nước hoặc tách trà gừng nóng sau khi xông để bù lại lượng nước đã thoát ra trong quá trình xông. 

Không phủ nhận rằng xông hơi giúp tinh thần thư thái và có tác dụng hỗ trợ tốt cho việc giảm cân. Nhưng nếu bạn xông hơi với tần suất bất hợp lý, lên đến 3-4 lần/tuần thì hiệu quả sẽ không thấy đâu mà ngược lại, làn da bị khô, ráp và dễ xuất hiện nếp nhăn.

Khi xông hơi, bạn cần biết rằng cơ thể sẽ mất một lượng nước rất lớn do quá trình tiết mồ hôi. Đối với những bệnh nhân tim mạch, đây là một vấn đề cần hết sức lưu ý. Khi cơ thể mất nước sẽ dẫn đến hiện tượng hạ huyết áp đột ngột, gây choáng váng, mệt mỏi, khó thở, thậm chí ngất xỉu. Để đề phòng trường hợp này, cần hạn chế xông hơi nếu bạn có bệnh về huyết áp. Nếu xông hơi thì không quá 20 phút.

Linh Anh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.