3 chú sư tử cùng 10 bông hồng đỏ thắm được in trên ngực trái của tuyển Anh là một hình ảnh khá quen thuộc đối với những ai yêu mến đội bóng này, nó biểu trưng cho sự uy quyền, giàu sang và mạnh mẽ.
Đối với người hâm mộ bóng đá, không ai còn lạ lẫm với biểu tượng 3 chú sư tử (hay còn gọi là Tam sư) và 10 bông hồng đỏ thắm in trên áo của đội tuyển Anh. Hoa hồng Tudor và sư tử Barbary huyền thoại chính là biểu tượng nổi tiếng khi nhắc về Anh.
Trên thực tế, sư tử là biểu tượng của nước Anh từ thế kỷ 11 trong sự cai trị của người Norman. Hình ảnh 3 con sư tử lần đầu xuất hiện từ triều đại vua Richard đệ nhất vào khoảng thế kỷ 12. Lúc này, nó được xem là biểu tượng chính thức của hoàng gia Anh cùng với hình ảnh rồng trắng.
Tam sư của nước Anh thể hiện sự uy quyền, mạnh mẽ. (Ảnh: Wiki).
Vua Richard đệ nhất có biệt hiệu là Richard tim sư tử (The Lionheart) và được nhắc đến là một vị vua dũng cảm, có tài quân sự kiệt xuất. Khi mới 16 tuổi, Richard đã nắm quyền chỉ huy đội quân của riêng mình, đàn áp cuộc nổi loạn ở Poitou chống lại cha ông, Vua Henry đệ nhị.
Vua Richard được coi như một sự trường tồn của Anh, bất chấp việc ông chỉ nói tiếng Pháp và ít khi sống ở Anh. Không những vậy, ông còn được dân chúng tôn thờ như một người anh hùng. Vua còn được biết đến là một trong những tổng tư lệnh trong cuộc thập tự chinh thứ 3 dù không tái chiếm được Jerusalem.
Tương truyền rằng mỗi con sư tử thể hiện quyền lực của vua Richard trên một vùng lãnh thổ, bao gồm Vua nước Anh, công tước xứ Normandy và xứ Aquitaine (trên thực tế ông có nhiều chức tước hơn con số 3). Do đó, nước Anh mới có biểu tượng 3 chú sư tử và biểu tượng này theo người Anh đi xuyên chiều dài lịch sử 1.000 năm sau đó, tồn tại cho đến tận ngày nay.
Loài sư tử trở thành biểu tượng của nước Anh và được coi là “quốc thú”, cụ thể là sư tử Barbary. Loài vật này sống ở Bắc Phi và được xem là loài sư tử lớn nhất từng sinh sống trên trái đất.
Xuất hiện cùng tam sư trên logo đội tuyển Anh là 10 bông hồng đỏ thắm. Đây chính là hoa hồng Tudor, quốc hoa của nước Anh, tượng trưng cho hòa bình.
Và không phải tự nhiên người Anh chọn hoa hồng là quốc hoa. Nó là kết quả của cuộc nội chiến – hay còn gọi là cuộc chiến hoa hồng giữa phe quý tộc Lancaster (biểu tượng hoa hồng đỏ) và York (biểu tượng hoa hồng trắng). Cuộc chiến kết thúc với chiến thắng của Henry Tudor (phe Lancaster) trong trận Bosworth Field.
Trên quốc huy mới của nước Anh vẫn là hình ảnh hoa hồng. Tuy nhiên, hoa hồng đã có một sự thay đổi nhỏ, mang ý nghĩa hòa giải. Đó là chính phủ đã cho lồng kiểu dáng của hai loại hoa trắng và đỏ để tạo nên hình tượng hoa hồng Tudor. (Ảnh: Clker).
Kể từ khi lên ngôi vua, vương triều Tudor thành công trong việc khôi phục lại sức mạnh và sự ổn định của chế độ quân chủ Anh sau biến động chính trị của cuộc chiến tranh hoa hồng. Và đây là vương triều cai trị nước Anh, xứ Wales trong suốt hơn 100 năm. Một số những người nổi tiếng của vương triều Tudor có vua Henry VII và nữ hoàng Elizabeth đệ nhất.
Vương quốc Anh là quốc gia có chủ quyền từng tồn tại từ năm 927 đến năm 1707 ở phía tây bắc lục địa châu Âu. Ở thời đỉnh cao, Vương quốc Anh từng kéo dài tới hai phần ba phía nam Đảo Anh (bao gồm cả Anh và xứ Wales ngày nay) và một vài hòn đảo nhỏ xa trung tâm; hiện nay thuộc thẩm quyền pháp lý của Anh và xứ Wales. Vương quốc này có biên giới đất liền với Vương quốc Scotland ở phía bắc.
Hoàng cung lúc đầu đặt ở Winchester, Hampshire, nhưng từ thế kỷ 12 trở đi, London trở thành thủ đô chính thức của nước Anh.
Mặc dù không có quốc hoa thống nhất cho cả vương quốc, nhưng mỗi vùng thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Irleand (gồm Anh, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đều có một vị thánh bảo trợ và quốc hoa riêng.
Xứ Anh có vị thánh bảo trợ là thánh Geogre và quốc hoa là hoa hồng Tudor.
Xứ Scotland nhận Andrew là thánh bảo trợ, quốc hoa là Kế (một họ của hoa cúc gai). Hoa chuông xanh cũng được coi là quốc hoa.
Xứ Wales có thánh bảo trợ là David, quốc hoa là thủy tiên vàng và tỏi tây.
Bắc Ireland có thánh bảo trợ là Patrick và quốc hoa là cây chua me đất, một loại cây có 3 lá giống như cỏ 3 lá.