Trong cuộc cách mạng Pháp, đao phủ từng giữ phần đầu bị chém đứt của Charlotte Corday (cô gái ám sát chính trị gia Jean-Paul Marat) trên cao và tát vào má. Nhiều nhân chứng khẳng định đôi mắt của Corday nhìn vào người đao phủ với vẻ mặt phẫn nộ.
Một cái đầu bị chặt có thể nói chuyện. (Ảnh minh họa: imgarcade)
Năm 1989, một cựu chiến binh quân đội nhìn thấy người bạn thân mất đầu trong vụ tai nạn xe hơi. Tuy nhiên, chiếc đầu tách rời được cho là vẫn có biểu hiện sốc, kinh hoàng, đau đớn và đôi mắt liếc nhìn cơ thể.
Nhiều bác sĩ cho rằng khả năng biểu hiện sau khi bị chặt đầu rất khó xảy ra. Tại thời điểm chặt đầu, não phải chịu đựng sự sụt giảm mạnh về huyết áp, phần đầu nhanh chóng mất máu, thiếu oxy. Não đi vào trạng thái hôn mê sâu, mặc dù có thể phải mất vài giây cái chết mới đến.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây trên động vật khiến nhiều người tin vào những câu chuyện trên. Năm 2011, các nhà khoa học Hà Lan gắn máy đo điện não đồ (EEG) lên bộ não của những con chuột bị chặt đầu.
Theo đó, họ vẫn phát hiện hoạt động xung điện trong vùng não chuột, hoạt động có ý thức tiếp tục diễn ra trong khoảng 4 giây. Những động vật nhỏ hơn có vú thậm chí còn có thời gian lâu hơn. Nếu điều này xảy ra ở người, một vài giây ít ỏi đó cũng đủ thời gian để họ nhận thức xung quanh.
Tuy nhiên, truyền thuyết về những chiếc đầu bị chặt cố nói chuyện có thể là chỉ đơn giản là hành động phản xạ của cơ thể. Giống như chân tay bị đứt lìa vẫn có thể co cơ, phản xạ của não tại hệ thống ngoại tháp (bộ phận thuộc hệ thần kinh điều khiển hoạt động vận động) cũng tạo ra biểu hiện vô thức trên khuôn mặt như sợ hãi, ghê tởm và khinh miệt.