Yêu cũng cần… “điêu”

Yêu cũng cần...

Khi yêu, chúng ta thường đặt sự chân thành, trung thực của đối phương làm tiêu chí, là yếu tố quyết định sự bền vững. Nhưng không ít những mối tình tan vỡ vì quá trung thực. Nghĩa là không nói dối, không giấu diếm nhau bất kì điều gì. Suy ngẫm lại, nói dối là không tốt, nhưng trong một vài trường hợp sau, bạn rất nên nói dối.

1. Khi dẫn chàng/nàng về ra mắt gia đình

Chàng và nàng díu dít dắt nhau về ra mắt hai bên gia đình. Ai cũng cố gắng thế hiện mình thật tốt nhưng có được gia đình hai bên đón nhận hay không thì thật khó đoán. Bởi mỗi người có một cách đánh giá, mỗi người có một thái độ đón nhận khác nhau. Nghĩa là sẽ có lời khen, nhưng đồng thời có những lời chê bai, trách móc.

Nhưng vì thật thà quá. Chúng ta lại thường kể hết cho đối phương nghe những lời đó. Được nghe những lời khen thì không sao, nhưng lại được “bonus” thêm những lời chê bai thì hẳn nhiều người không thích. Chẳng hạn:

– “Mẹ em chê anh lùn, mồm thì rộng, chẳng năng động hoạt bát”.

– “Bố anh chê em xấu, bảo mặt em rất gian, sau này sẽ quản chồng”.

– “Cô em chê anh ít mồm, cứ lì lì như tàu điện”.

– “Dì anh bảo nếu lấy em thì đỡ một khoản tiền mua thìa (ẩn dụ)!”

Trời ạ! Thử tưởng tượng xem những người ta yêu thương khi nghe những lời đó sẽ cảm thấy thế nào? Có lẽ sẽ bị khủng hoảng tinh thần ghê gớm, hoặc chí ít cũng tự kỉ, buồn thỉu buồn thiu đến vài tuần. Bi quan hơn, họ sẽ lập tức đòi chia tay vì không thể chịu đựng được những lời nhận xét “quá đáng” đến như thế.

Như vậy, trong trường hợp này, tại sao chúng ta không chọn cách nói giảm nói tránh, vẫn đúng sự thật nhưng lại ít sát thương nhất, hoặc là chọn cách im lặng? Bởi ta yêu người, yêu cả những nét đẹp xấu của người, mặc kệ những lời người ta nói.

 

Nói dối là không tốt, nhưng trong một vài trường hợp sau, bạn rất nên nói dối.

 

2. Khi kể về người yêu cũ

Có không ít người cho rằng, nếu thành thực kể về người yêu cũ sẽ là một trong những biểu hiện của việc trung thực trong tình yêu, minh chứng cho việc “Tôi không có gì phải giấu!” và “Nếu yêu tôi hãy yêu cả quá khứ của tôi!”. Thật ra thì chẳng có ai dễ chịu khi nghe người yêu mình kể về người yêu cũ, nên có lẽ càng giấu được bao nhiêu thì giấu, chẳng nhất thiết phải nói ra. Nhưng có một số người lại không ngớt lời kể lể về người yêu cũ đến một cách khó chịu. Chẳng hạn:

– “Em và anh ta đã có rất nhiều cái đầu tiên. Lần đầu tiên bọn em hẹn hò ở…; Lần đầu tiên kiss nhau ở…; lần đầu tiên em được tặng một bó hoa to là anh ấy…”

Khi hai người đang có một buổi hẹn hò lãng mạn bằng việc nắm tay nhau đi dạo trên những con đường thơ mộng thì bỗng nhiên chàng/nàng kêu lên:

– “A! Người yêu cũ của em/anh đã đưa em đi qua đây, chúng em cũng cùng đi dạo và còn ăn kem ở đây nữa”…

Hay là khi hai người đang đi dạo công viên, ánh mắt bạn lại ngơ ngác nhìn về một chỗ – nơi gắn với những kỉ niệm của bạn về người cũ. Chẳng khó để đối phương nhận ra điều đó đâu và chắc chắn họ sẽ cảm thấy không vui chứ đừng nói đến chuyện bạn bô bô: “Bọn em trước hay ngồi ở chỗ kia kìa, cứ mỗi lần đến đây là bọn em lại chỉ ngồi ở cái ghế đá ấy”.

Ờ! Bạn cứ huyên thuyên về người cũ đi, tôi mà là người yêu hiện tại của bạn chắc sẽ ném cái kem xuống đất, rồi bỏ rơi bạn ngay lập mà không thèm nói gì.

3. Khi trao đổi về cuộc sống thường ngày

Trao đổi những việc đang làm, những gì đang nghĩ là việc làm thường xuyên của những đôi yêu nhau, đặc biệt là những đôi yêu xa.

Với những đôi có thời gian rảnh rỗi nhiều, các bạn có thể nhắn cho nhau hàng trăm cái tin hỏi: “Anh/em đang làm gì?” Nghĩa là chúng ta cần biết đối phương đang làm gì, có nhớ về nhau không? Điều này là không có gì chê trách.

Nhưng có một số trường hợp, một trong hai người bận công việc, môi trường làm việc không cho phép sử dụng điện thoại thường xuyên nên chỉ có thể gọi điện cho người kia vào một giờ cố định. Chẳng hạn, anh chàng thường xuyên gọi điện cho nàng vào lúc 11h trưa và lúc 6h tối chẳng hạn, đúng vào lúc các bạn đang nấu cơm.

Ngày thứ nhất:

– Em đang làm gì thế?

– Em đang nấu cơm

– Em nấu món gì thế?

– Rau muống và thịt gà rang

Ngày thứ hai:

– Em đang làm gì thế?

– Em đang nhặt rau muống và ướp thịt gà

Ngày thứ ba;

– Em đang làm gì thế?

– Em đang nhặt rau muống!

Ngày thứ n:

– Mày không gọi điện cho nàng à?

– Thôi, nàng chắc lại đang nhặt rau muống và rang thịt gà!

Sự thật là nhà nàng rất thích ăn thịt gà và rau muống. Nhưng chàng nào có quan tâm đến điều ấy. Chàng không gọi điện để biết những câu trả lời nhạt nhẽo như thế mà đó chỉ là cách mở đầu cho một sự quan tâm. Vì vậy, tốt nhất là bạn hãy thường xuyên thay đổi câu trả lời để luôn tạo sự tò mò cho đối phương.

Đọc đến đây thì chắc hẳn các bạn đã mệt rồi. Nhưng hãy nhớ, trong tình yêu không phải lúc nào cũng nên trung thực, thật thà một cách quá đáng. Nếu đối phương cũng thật thà tuyệt đối với bạn thì bạn mới cần tuyệt đối với người ta. Tất nhiên, tôi không cổ xúy cho hành vi nói dối nhưng tùy từng trường hợp, bạn nên nói giảm, nói tránh, hoặc tốt nhất là im lặng nếu gặp phải một trong những trường hợp trên.

Trà Quỳnh Trang

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.