3 tháng đầu thai kỳ luôn được coi là giai đoạn khó khăn nhất nhất. Các hormone trong cơ thể thay đổi, khiến mẹ bầu mệt mỏi vì chưa kịp thích nghi. Ngoài ra tình trạng ốm nghén cũng khá phổ biến trong 3 tháng đầu này. Chán ăn, thèm ngủ, bụng căng tức khó chịu là những cảm giác thường gặp. Hơn nữa, nếu mang thai lần đầu, bạn còn rất hoang mang vì không biết ăn uống như thế nào cho đúng cách, nên kiêng khem những gì, nên mua sắm thế nào… Những vật dụng hữu ích trong 3 tháng đầu thai kỳ sau đây, chắc chắn sẽ giúp mẹ dễ chịu, thoải mái và chủ động hơn với chuyện bầu bí.
1. Một chiếc áo ngực phù hợp
Những tháng đầu thai kỳ này, mẹ bầu sẽ cảm thấy ngực căng tức khó chịu, đồng thời ngực cũng tăng kích cỡ, nhỉnh hơn so với bình thường. Mẹ hãy “tạm biệt” những chiếc áo ngực có gọng, áo ngực nhiều đệm mút nhé. Thay vào đó, chọn mua những chiếc áo ngực không gọng, chất liệu thoáng mát và chọn cỡ to hơn nhé.
2. Uống thuốc vitamin tổng hợp
Khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ bầu chưa cần thiết phải uống bổ sung riêng rẽ từng loại (sắt, axit folic, canxi) mà nên uống thuốc vitamin tổng hợp. Trong thuốc vitamin tổng hợp có bổ sung axit folic, sắt, và các loại vitamin cần thiết khác cho sự phát triển của thai nhi. Thông thường khi đi khám thai, mẹ bầu sẽ được bác sỹ kê đơn thuốc.
3. Mua sách cẩm nang mang thai an toàn
Dù mang thai lần đầu hay lần thứ 2, mẹ vẫn nên mua cho mình một cuốn cẩm nang mang thai an toàn. Trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về quá trình phát triển của bé, chế độ dinh dưỡng của mẹ, các giai đoạn trong chuyển dạ và sinh nở, cách chăm sóc trẻ sơ sinh…sẽ giúp mẹ bầu chủ động và tự tin hơn trong suốt 9 tháng 10 ngày sắp tới.
4. Uống trà gừng, ăn kẹo gừng, bánh quy gừng để giảm triệu chứng ốm nghén
Nếu bị ốm nghén, mẹ có thể uống trà gừng, ăn kẹo gừng hoặc bánh quy gừng để giảm triệu chứng buồn nôn, ăn không ngon miệng và mệt mỏi.
5. Mua một cuốn sổ ghi chép giấc mơ
Khi mang thai mẹ sẽ mơ rất nhiều đấy, mà chủ yếu là ác mộng. Nhưng đây là hiện tượng thường gặp. Dù chưa được khoa học lý giải nguyên do, nhưng mẹ hãy thích nghi với việc này nhé. Mẹ có thể để một cuốn sổ nhỏ ngay trên đầu giường, để mỗi sáng dậy ghi chép lại những giấc mơ của mình, kể cả giấc mơ đẹp hay những giấc mơ khủng khiếp.
6. Luôn mang theo bình nước
Luôn mang theo bình nước để nhắc nhở mình uống nhiều nước hơn. Mẹ bầu phải uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày, nhưng vẫn nên uống nhiều hơn lượng đó.
7. Mua dầu dừa nguyên chất
Khi bụng bầu lớn, mẹ bầu sẽ bị rạn da. Rạn da tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, có người thoa kem trị rạn vẫn bị rạn, trong khi đó có những mẹ không sử dụng sản phẩm chống rạn nào nhưng vẫn bị. Tuy nhiên mẹ vẫn nên mua cho mình một hũ dầu dừa nguyên chất nhé. Dầu dừa vừa lành tính, giá thành lại không quá cao như các sản phẩm chống rạn khác, mà hiệu quả vẫn tương đương.
8. Mua gối dài
Thời điểm này chưa cần thiết mua gối bà bầu đâu nhé. Mẹ mang thai chỉ cần mua một chiếc gối dài bằng chiều dài cơ thể mình là được. Gối này sẽ hỗ trợ mẹ rất nhiều trong thời gian tập nằm nghiêng một bên thay vì nằm ngửa hoặc sấp.
9. Tập thể dục
Bắt đầu lên kế hoạch tập thể dục ngay mẹ bầu nhé. Tất nhiên tập thể dục không có nghĩa là tập những bài tập nặng đâu. Mẹ chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội, tập yoga. Chỉ tập khi cảm thấy cơ thể khỏe mạnh, không bị mệt mỏi. Để yên tâm hơn, mẹ bầu nên tham khảo bác sỹ chuyên môn trước khi quyết định tập luyện nhé.
10. Tìm người tâm sự
Khi mang thai mẹ bầu chỉ muốn được than vãn với ai đó về những mệt mỏi, những lo lắng mà thôi. Và người mà mẹ bầu muốn tâm sự nhất, là ông chồng đang vô lo vô nghĩ kia. Thời gian này, mẹ bầu cố gắng tập trung vào ăn uống, ngủ nghỉ nhiều. Nếu quá căng thẳng cứ “xả” hết ra cho các ông chồng chịu. Đừng giữ trong lòng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và làm chậm sự phát triển của con yêu nhé.
Việt Hà – Nguồn: BB
Hướng dẫn bế trẻ sơ sinh đúng cách bố mẹ cần biết