10 điều một người mẹ tinh tế không bao giờ nên nói với con

0
115

 

Có thể mẹ sẽ không sử dụng những câu nói mang nặng tính chỉ trích như: “Sao con không làm được trò trống gì vậy?” hay so sánh với người khác: “Giá như con bằng được phân nửa chị gái”,… với con mình. Nhưng có vài cụm từ, dù ít nặng nề hơn, mẹ vẫn nên tránh để tốt cho con cái và cho chính bản thân mình nữa.  

1. Làm tốt lắm!

Nếu bố mẹ cứ luôn khen con mình bằng những từ như “Tuyệt lắm con gái” hay “Giỏi lắm, tiếp tục nào” mỗi khi bé thành thạo một kỹ năng nào đó, mẹ sẽ làm chúng phụ thuộc vào những lời khen có cánh đó hơn là nỗ lực của bản thân. Vì vậy, hãy dành những lời khen ngợi đó khi thấy  thực sự cần thiết để khích lệ con cái, càng đúng lúc càng tốt. Thay vì nói: “Cuộc đấu rất tuyệt” thì hãy khen rằng: “Đó là một sự hỗ trợ rất tốt. Bố mẹ rất thích cách con phối hợp với đồng đội của mình”.

2. Cứ cố gắng hết sức rồi sẽ thành công

Đúng là khi trẻ con càng dành tâm huyết và nỗ lực làm việc gì đó, chúng sẽ tích lũy được kinh nghiệm và thành thạo hơn. Tuy nhiên, nếu mẹ cứ nhắc đi nhắc lại câu đó với bé trong mọi hoàn cảnh thì có thể sẽ hình thành trong trẻ áp lực cần phải thắng hay nổi trội hơn người khác trong mọi việc. Nhiều đứa trẻ đã tự dày vò bản thân mình và tự hỏi: “Mình bị sao vậy? Mình đã tập luyện, tập luyện, tập luyện rất nhiều và mình vẫn không phải là số một”,… Vì vậy, thay vì nói câu đó, hãy khuyến khích con mình chăm chỉ hơn vì chúng sẽ tiến bộ và cảm thấy tự hào với sự nỗ lực của bản thân”.

3. Con sẽ ổn thôi

Khi con bị ngã xước chân và khóc toáng lên, theo quán tính mẹ sẽ dỗ dành bé rằng: “Chẳng sao cả, chỉ là vết thương nhỏ xíu thôi, không đau đâu con,…”. Nhưng điều đó chỉ làm lũ trẻ thấy tệ hơn mà thôi, bởi sự thật là bé cảm thấy không hề ổn chút nào. Vì thế, việc của mẹ là giúp con mình hiểu được cảm giác lúc đó, chứ không phải cố gắng làm giảm nó đi. Tốt hơn, mẹ hãy ôm bé và tìm hiểu xem con đau thế nào bằng những câu nói như: “Cú ngã này mạnh quá!”, rồi hỏi con có cần thêm bông băng hay một nụ hôn (hoặc là cả hai).

4. Nhanh lên!

Mẹ thường tức điên khi đã sắp muộn giờ làm, giờ học mà con thì quá lề mề khi ăn sáng, lại cứ nằng nặc đòi thắt dây giày thể thao (dù chưa thành thạo lắm). Thế là mẹ bắt đầu cau có và quát con: “Nhanh lên! Chúng ta sắp muộn rồi đó”. Thế nhưng, làm như vậy chỉ tạo thêm áp lực cho con, và đôi khi càng làm bé thêm “ương bướng”, sau đó là khóc toáng lên nếu mẹ tiếp tục quát tháo và giục giã. Kết quả là buổi sáng trở nên nặng nề và mệt mỏi vô cùng.

Cách tốt nhất là mẹ hãy dịu giọng hơn một chút bằng những câu như: “Nhanh lên nào con”, mang ẩn ý như mẹ và bé cùng ở một đội. Hoặc mẹ cũng có thể khích lệ bé bằng một trò chơi: “Sao chúng ta không thử cùng đua xem ai sẽ cán đích trước nhỉ?”

5. Bố/mẹ đang ăn kiêng

Kiểm soát cân nặng? Hãy dành điều đó cho riêng bản thân mẹ thôi. Bởi nếu lũ nhóc nhìn thấy mẹ hàng ngày bước lên bàn cân và luôn ở trong trạng thái “béo”, chúng có thể phát triển hình ảnh về một cơ thể không khoẻ mạnh. Tốt hơn hết nên nói với con rằng: “Bố/mẹ thích ăn uống điều độ vì việc đó khiến bố mẹ thấy hứng thú”. Tương tự như vậy với việc tập luyện ngoài trời. “Mình cần tập thể dục” nghe như một lời phàn nàn vậy, nhưng nếu nói: “Hôm nay trời đẹp quá, mẹ đi dạo chút đây…” có thể sẽ làm các bé có hứng muốn đi cùng mẹ.

6. Chúng ta không thể mua cái này được

Thật dễ dàng khi cứ trả lời mặc định như vậy nếu lũ trẻ muốn những món đồ chơi mới nhất. Nhưng nói vậy sẽ chỉ gửi đi thông điệp rằng mẹ không có khả năng kiểm soát vấn đề tài chính của cả nhà, điều làm lũ trẻ lo. Hãy chọn cách trả lời khác nhưng vẫn bao hàm ý chính, giả dụ như: “Chúng ta sẽ không mua món đồ đó để còn dành tiền cho những thứ quan trọng hơn, con yêu ạ”.

7. Đừng nói chuyện với người lạ

Tưởng chừng đơn giản  nhưng đây là vấn đề thực sự khó khăn để các bé nghe theo. Dù không rõ danh tính, trẻ con vẫn sẽ không nghĩ đó là người lạ nếu họ đối xử tốt với chúng. Thêm nữa, có thể con mẹ sẽ hiểu sai điều này và luôn tìm đến sự giúp đỡ của cảnh sát hay lính cứu hoả, những người mà các bé không hề quen biết. Thay vì bảo con không được nói chuyện với người lạ, mẹ hãy đặt ra tình huống cụ thể (“Con sẽ làm gì nếu có một người mà con không quen, đưa cho con một cây kẹo và nói rằng sẽ chở con về nhà?”,…), hãy để  trẻ nhỏ giải thích chúng sẽ định làm gì, sau đó đi đến những hành động cụ thể. Vì vấn đề bắt cóc trẻ em rất rộng lớn và có vài trường hợp liên quan đến một số người chúng biết, vì thế hãy nói với con mình như thế này: “Nếu có ai đó làm con buồn, lo sợ hay khóc lóc, hãy báo ngay cho mẹ”.

8. Cẩn thận đấy!

Thực ra, nếu mẹ nói vậy khi con đang tập đi thăng bằng trên một thanh ngang ở khu vui chơi thì sẽ càng làm bọn trẻ dễ bị ngã hơn. Tiếng của mẹ sẽ làm bọn trẻ bị xao nhãng và mất tập trung vào việc chúng đang làm. Nếu mẹ cảm thấy lo lắng, hãy tiến gần hơn một chút trong trường hợp đứa trẻ bị mất thăng bằng và càng nhẹ nhàng càng tốt.

9. Không được dùng tráng miệng nếu con chưa xong bữa ăn

Sử dụng giải pháp đó sẽ làm trẻ con cảm thấy bị áp lực và làm giảm sự hứng thú trong bữa ăn của chúng – và nó đi ngược lại với mong muốn của mẹ. Hãy chuyển câu nói đó theo hướng nhẹ nhàng hơn: “Đầu tiên chúng ta ăn tối đã, sau đó sẽ là bữa tráng miệng nhé”. Khi những từ ngữ được thay đổi, chúng sẽ có tác động tích cực cho trẻ nhỏ.

10. Để bố/mẹ giúp con nào

Khi con gặp khó khăn trong việc lắp ráp một toà nhà đồ chơi hay xếp hình, bố mẹ thường sốt sắng giúp chúng một tay. Nhưng đừng làm vậy. Nếu mẹ can thiệp quá sớm, điều đó sẽ làm giảm sự độc lập của trẻ vì chúng sẽ luôn tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Thay vào đó, hãy hướng các câu hỏi để trẻ có thể giải quyết được vấn đề: “Con nghĩ xem nên để mảnh to hơn hay nhỏ hơn ở dưới cùng? Vì sao lại thế? Thử xem nào”,…
                                        

Nguyên Hà (Tổng hợp từ parents, the bumps,…)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.